Đưa nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:36, 17/03/2019
Hà Nội có thế mạnh về nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống - “mỏ vàng” tiềm ẩn để phát triển du lịch. Trong đó, các nhà hát nghệ thuật của Hà Nội là nơi nắm giữ “chìa khóa” để mở cánh cửa khai thác. Tuy đã xây dựng chương trình hướng đến phục vụ khách du lịch, song để khai thác hiệu quả nguồn lực đặc biệt này, các đơn vị cần đổi mới mạnh mẽ hơn, qua đó tạo ra sức hút mới hơn.
Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam luôn thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Bá Hoạt |
Tiềm năng chưa khai thác hết
Hành trình khám phá Hà Nội của hầu hết các tour du lịch, nhất là dành cho du khách nước ngoài không thể thiếu phần thưởng thức nghệ thuật. Hiện Hà Nội đang sở hữu 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu, trình độ và năng lực biểu diễn luôn được đánh giá đứng đầu cả nước. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô đều đã xây dựng chương trình hướng tới phục vụ khách du lịch, vừa để quảng bá tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, vừa để
phát triển, tăng nguồn thu cho hoạt động.
Điểm sáng nhất trong hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch của Hà Nội là Nhà hát Múa rối Thăng Long - đơn vị nhiều năm liên tiếp được Tổ chức Kỷ lục thế giới trao danh hiệu “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm”. Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, Quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ, nghệ thuật múa rối nước vốn đặc sắc, riêng có ở Việt Nam, cộng với địa điểm đóng quân của nhà hát ngay trên phố Đinh Tiên Hoàng, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm - nơi quảng bá tốt nhất văn hóa Việt, nên khá thuận lợi để thu hút du khách. Trung bình mỗi ngày nhà hát diễn từ 6 đến 8 suất, đón 1.500 lượt khách, trong đó có tới 80% là khách tour. Nhiều năm nay nhà hát tự chủ hoàn toàn về tài chính, đời sống của nghệ sĩ, người lao động ngày càng được nâng cao.
Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là đơn vị tiên phong trong việc phát triển du lịch nghệ thuật, thông qua chương trình “Long thành diễn xướng” tại địa chỉ 15 Nguyễn Đình Chiểu. Đó là sân khấu kết hợp giữa chèo và múa rối nước, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, với thời lượng vừa đủ cho khách du lịch cảm nhận. Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, do vị trí biểu diễn của chương trình xa các điểm du lịch, lại chỉ có 2 suất trong tuần, không phù hợp cho việc dẫn tour, nên “Long thành diễn xướng” chưa thu hút được nhiều khách du lịch.
Ở ngay giữa lòng phố cổ, Rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc) của Nhà hát Cải lương Hà Nội khá thuận lợi đón khách du lịch. Từ năm 2012, nhà hát này đã xây dựng chương trình cải lương có dịch tiếng Anh dành cho du khách nước ngoài thông qua tai nghe, nội dung cũng được điều chỉnh dần để khán giả nước ngoài dễ tiếp nhận. Song, do Rạp Chuông Vàng đã xuống cấp, từ cuối năm 2017 đến nay, nhà hát tạm dừng biểu diễn để sửa chữa, nâng cấp rạp.
Loại hình kịch nói tuy ít hấp dẫn khách du lịch, nhưng Nhà hát Kịch Hà Nội, sở hữu Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền), đã mạnh dạn kết hợp với Nhà hát Việt để thực hiện chương trình “Tứ phủ” tôn vinh nghệ thuật hát chầu văn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với phong cách dàn dựng hiện đại, hấp dẫn. Hai năm liền (2017 và 2018), “Tứ phủ” đã được TripAdvisor - website du lịch uy tín thế giới, chứng nhận là “Dịch vụ xuất sắc”.
Cần có chiến lược bứt phá
Du khách xem biểu diễn múa rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học. |
Dù đang là điểm đến xem múa rối nước hàng đầu ở Thủ đô, nhưng nếu Nhà hát Múa rối Thăng Long không nâng cao chất lượng, phục vụ tốt du khách, thì không dễ giữ vững vị trí, bởi hiện có nhiều điểm diễn loại hình này tại Hà Nội. “Chúng tôi xác định nhiệm vụ phục vụ khách du lịch vừa là dịch vụ, vừa là trách nhiệm quảng bá, bảo tồn văn hóa dân tộc. Ngoài yêu cầu khắt khe về chất lượng chuyên môn cho mỗi suất diễn, thì nhà hát đã mời chuyên gia tại các khách sạn 5 sao đến tư vấn, huấn luyện cho cán bộ, nhân viên, diễn viên để có tác phong và quy trình phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự”, Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng chia sẻ.
Bà Thái Thanh Lan, Giám đốc Công ty Vietindo Travel cho biết, du khách rất thích thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Các chương trình diễn xuất nhiều, ít lời thoại như múa rối nước, biểu diễn chầu văn thường có ưu thế hơn. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố để phù hợp cho việc xây dựng tour, như vị trí thuận tiện, dung lượng chương trình vừa phải… Ông Phạm Bá Chỉnh, Phó Giám đốc Điều hành Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết thêm, mô hình biểu diễn nhỏ ở khu vực trung tâm với không gian dành cho 100 khách là vừa đủ để tạo sự gần gũi, dễ dàng tương tác giữa nghệ sĩ và du khách. Thời lượng chương trình không quá dài, nhưng cần có những ý tưởng mới để khán giả quốc tế tiếp xúc và hiểu được nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội, Việt Nam. Tới đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ dàn dựng chương trình mang đậm màu sắc đờn ca tài tử Nam Bộ, văn hóa Nam Bộ - cái nôi của nghệ thuật cải lương để phục vụ du khách.
Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ kết hợp với Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực để xây dựng chương trình chèo hiện đại hướng tới phục vụ công chúng Thủ đô và khách du lịch người Việt. “Đó là một chương trình gọn nhẹ, chắt lọc tinh túy của nghệ thuật chèo truyền thống, nhưng dàn dựng theo phong cách hiện đại, đầu tư công nghệ âm thanh, ánh sáng tốt…”, Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh chia sẻ.
Hiện tại, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã có dự án xây dựng nhà hát hiện đại tại quận Tây Hồ, cơ sở tại 31 Lương Văn Can sẽ được cải tạo thành nơi biểu diễn âm nhạc truyền thống như ca trù, chầu văn, xẩm… dành cho khách du lịch. Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội cũng có thể xây dựng vở kịch xiếc mang nét văn hóa Thăng Long, như vở xiếc “Làng tôi” đậm màu sắc đồng quê Bắc Bộ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đang thu hút rất đông du khách.
Theo bà Thái Thanh Lan, ngoài múa rối nước thường xuyên thì hiện các chương trình khác như “Tứ phủ”, “Long thành diễn xướng” có quá ít suất diễn, đôi khi chưa phù hợp với lịch trình của khách du lịch. Bà Thái Thanh Lan gợi ý, thành phố nên có một trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại vị trí thuận lợi, quy tụ nhiều loại hình nghệ thuật sẽ dễ thu hút các tour du lịch. Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng cũng hình dung về một trung tâm diễn xướng Thăng Long, nơi mỗi đơn vị nghệ thuật sẽ xây dựng và biểu diễn chương trình đặc sắc nhất, có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm để thành điểm đến không thể thiếu của khách du lịch khi đặt chân đến Hà Nội. Đây cũng là mô hình chiến lược tạo sự bứt phá cho phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.