Tỏa sáng lịch sử hào hùng của dân tộc
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:12, 24/03/2019
Với chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng năm 938, mùa xuân Kỷ Hợi 939, Ngô Quyền xưng Vương, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc, sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa (939-2019), diễn ra cuối tháng 4-2019, nhằm ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc. Phóng viên có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh về công tác chuẩn bị cho sự kiện này.
Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. |
- Xin ông cho biết ý nghĩa của Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa?
- Sự kiện Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa cách đây 1080 năm có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, chính thức chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc với sự tiếp nối rực rỡ của các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Lê... Chọn đóng đô tại Cổ Loa, Ngô Vương đã khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu trung hưng, từ đó đưa dân tộc ta bước vào thời kỳ xây dựng trên quy mô lớn và hoàn toàn tự chủ.
Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa được tổ chức nhằm ôn lại giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; tri ân người anh hùng có công khôi phục quốc thống, đưa đất nước ra khỏi ách đô hộ, góp phần giáo dục, nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử trong các thế hệ.
- Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?
- Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì; đơn vị triển khai thực hiện là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và UBND huyện Đông Anh.
Dự kiến, Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra cuối tháng 4-2019 (trung tuần tháng Ba Âm lịch) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh) với nhiều hoạt động như: Trình diễn trống hội; sử thi tái hiện chiến thắng Bạch Đằng và sự kiện Ngô Quyền xưng Vương. Màn biểu diễn sử thi kéo dài khoảng 45 phút, do 80 nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện.
Phần hội sẽ được làm đậm bằng các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống, trình diễn võ thuật cổ truyền, cờ người - cờ tướng, không gian trải nghiệm trò chơi dân gian... Cùng ngày, tại đền Ngô Quyền ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), quê hương ông, cũng sẽ diễn ra lễ dâng hương và nhiều hoạt động ý nghĩa để hưởng ứng sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng này.
- Vậy, công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm đang được triển khai ra sao?
- Các phần việc chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm đang được gấp rút triển khai, thực hiện, nhằm bảo đảm ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của sự kiện quan trọng này. Bên cạnh việc làm tốt phần lễ và phần hội, Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong không gian lễ hội.
Theo đó, UBND huyện Đông Anh đã lên kế hoạch tổ chức phân luồng giao thông, điểm trông giữ xe; bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ… trong khu vực diễn ra Lễ kỷ niệm.
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thẩm định kịch bản, maket và nội dung chương trình; trang trí cổ động trực quan phục vụ Lễ kỷ niệm… Cùng với đó, các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp, thực hiện để công tác tổ chức Lễ kỷ niệm diễn ra trang trọng, hiệu quả.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử được tổ chức thế nào, thưa ông?
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Lễ kỷ niệm, nên công tác này được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội phát động trên toàn thành phố và tiếp tục được đẩy mạnh về sau.
Sở Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động giảng dạy, sinh hoạt, học tập trong nhà trường gắn với nội dung tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền; giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa ở huyện Đông Anh, di tích thờ Ngô Quyền ở thị xã Sơn Tây.
Các cơ quan báo chí của thành phố tăng cường các bài viết tuyên truyền về sự kiện lịch sử tại Cổ Loa cách đây 1080 năm, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Các sở, ban, ngành tích cực đẩy mạnh thi đua, tổ chức chào mừng các ngày kỷ niệm, sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước gắn với sự kiện chào mừng kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa.
Ngày 25-3, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Ngô Quyền với sự nghiệp trung hưng đất nước”. Hiện tại, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 20 tham luận từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia lĩnh vực văn hóa, lịch sử nhằm làm sáng tỏ hơn về quê hương, thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền; vai trò, ý nghĩa của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc; những di sản của người Anh hùng Ngô Quyền trong đời sống hôm nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!