Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2019: Đảm bảo thực hiện tốt "5 không"
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 07:50, 25/03/2019
Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 phải thực hiện tốt “5 không”, đó là: Không ùn tắc giao thông; không để xảy ra kinh doanh nâng giá, ép giá; không có người ăn xin; không để xảy ra các hành vi phản cảm; không mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là chỉ đạo của ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tại buổi họp với Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng, ngày 21-3.
Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 phải thực hiện tốt “5 không”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Để tổ chức an toàn tuyệt đối, tạo sự hài lòng cho du khách thập phương, ông Bùi Minh Châu yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng, các huyện, thành, thị tập trung cao độ tổ chức thành công Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 với mục tiêu đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc, tôn vinh giá trị di sản văn hoá thời đại Hùng Vương. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 8 đến 10 tháng Ba âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì; các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2019 sẽ có 3 địa phương cùng tham gia là: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La.
Theo Ban tổ chức, Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2019 sẽ có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ Giỗ đức Quốc tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6 tháng Ba âm lịch; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10 tháng Ba âm lịch; lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị về Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương và tại các gia đình người dân trên địa bàn tỉnh ngày 10 tháng Ba âm lịch.
Phần hội sẽ có các hoạt động như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật; bắn pháo hoa; hội trại văn hóa của các huyện, thành, thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hiện vật khảo cổ học về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Cùng với đó là hoạt động trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương - thành phố Việt Trì; triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ” và một số tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ Việt Nam - Hàn Quốc; Ngày hội sách Đất Tổ; Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng; trình diễn hát Xoan làng cổ tại thành phố Việt Trì…
Đặc biệt, phần hội năm nay có 3 hoạt động mới là hát giao lưu tại khu vực ngã 5 Đền Giếng và Hồ Mai An Tiêm - Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; tổ chức các hoạt động tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương. Bên cạnh đó, việc tổ chức các đoàn dâng hương, trang phục của đại biểu và thành viên Ban tổ chức trong lễ dâng hương cũng có thay đổi cho phù hợp và đảm bảo tính trang nghiêm.
Ban tổ chức cho biết, hiện nay, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tập trung chỉnh trang cơ sở vật chất, sắp xếp các bãi đỗ xe theo hướng giao thông khép kín; bố trí điểm kinh doanh dịch vụ khoa học, phù hợp với cảnh quan chung của khu di tích. Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã khảo sát và xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông…