Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019.
Tin tức - Ngày đăng : 20:24, 25/03/2019
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Năm 2018 là một năm đánh dấu nhiều đổi thay của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và vấn đề tồn đọng cần được giải quyết triệt để”. Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam 2018 và định hướng những chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2019 chính là chủ đề bàn luận của hội thảo lần này.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trước những biến động phức tạp của tình hình trong nước, thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, chúng ta đã theo dõi sát, chủ động có đối sách phù hợp, kết hợp hài hòa các chính sách, tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển KTXH.
Cụ thể, năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, đồng thời chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, về phía chỉ tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại. Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỉ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chính dự kiến, nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 đã có dấu hiệu chững lại, WB (2018) đã đánh tụt vị trí của Việt Nam xuống 1 bậc, xếp thứ 69/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, mặc dù số điểm cao hơn. Việt Nam đang cải cách đúng hướng, nhưng tốc độ còn chưa cao, chưa quyết liệt và thiếu năng động hơn so với các nước khác.
PGS.TS Tô Trung Thành trình bày nội dung ấn phẩm
Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Tô Trung Thành với vai trò là đồng chủ biên đã thay mặt tập thể công bố và trình bày nội dung Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh việc giới thiệu Ấn phẩm, ông Tô Trung Thành cũng tập trung làm rõ báo cáo về kinh tế Việt Nam như: Tăng trường kinh tế; Hoạt động của các doanh nghiệp; Thực trạng thu ngân sách ra sao và tác động của dự kiến tăng thuế đến thuế giản thu; Thực trang của chi ngân sách và tác động của chi ngân sách đến tăng tưởng như thế nào; Thực trạng nợ công và mức độ bền vững của nợ công,…Đồng thời báo cáo cũng đưa ra triển vọng về kinh tế trong năm 2019 đi kèm theo đó là những thách thức.
Về triền vọng kinh tế trong năm 2019, báo cáo nêu rõ tăng trưởng kinh tế có tác động tích cực từ kinh tế thế giới, đó là trong hoàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ, cũng là cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn đến từ khu vực FDI, đi kèm là cán cân thương mại cải thiện. Xét từ các ngành sản xuất, kinh tế năm 2019 được thúc đẩy chủ yếu từ khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, với vai trò quan trọng của khu vực FDI, và được hỗ trợ từ sự hồi phục vững chắc của ngành nông – lâm – thủy sản. Về lạm phát cơ bản đã được ổn định và thấp do tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh tăng( giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng,…).
TS. Sebastian Eckardt – chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam phát biểu
Tuy nhiên nền kinh tế cũng gặp phải những thách thức lớn: Những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới, tính bất định và khó lường trong môi trường thế giới, tỏng khi khả năng chịu và thích ứng chưa cao; Các chuỗi sản xuất có thể bị ảnh hưởng, thậ chí gián đoạn ở những khâu sản xuất ở Việt Nam; Hàng hóa Trung Quố sẽ tìm đến các thị trường khác gây sức ép, khả năng cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam; Sự mất giá của các đồng tiền và giá cả tăng ở hầu hết các nước đang phát triển, cùng với bất ổn của giá dầu thế giới, sẽ tạo áp lực lên NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị VND. Một thách thức khác đó là dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp. Việc gia tăng cung tiền và tín dụng phục vụ tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát, đặc biệt là khi mức độ tăng trưởng thực tế đang cao hơn sản lượng tiềm năng, trong khi hệ thống chưa xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn chưa được cải thiện đáng kể. Cùng với đó việc thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng khiến dư địa cho chính sách tài khóa càng thu hẹp, cũng như khiến doanh nghiệp luôn phải đối diện với rủi ro tăng thuế phí, cản trở sự cải thiện hơn nữa của môi trường kinh doanh.
Trước những thách thức nêu trên cần có những chính sách để cải thiện như: Tăng cường chính sách trọng cung; Cải thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển kinh tế tư nhân một cách quyết liệt và thực chất; Đổi mới chính sách thu hút FDI và xây dựng công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng hệ thống tài chính – tiền tệ lành mạnh; Tăng cường khả năng chống đỡ tốt hơn những cú sốc từ bên ngoài và hơn hết phải quan tâm đặc biệt đến các chính sách tài khóa.
Để hiểu rõ hơn về các chính sách tài khóa, BTC đã có buổi tham luận về chính sách tài khóa hướng tới bền vững, hiệu quả, công bằng do TS. Sebastian Eckardt – chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam dẫn dắt.
Nội dung của buổi tham luận chủ yếu đề cập đến các vấn đề như: Làm thế nào để chi công hiệu quả nhất? Tạo khoảng đệm tài khóa đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa như thế nào? Đảm bảo chính sách tài khóa vì người nghèo như thế nào?. Các nội dung vấn đề của buổi tham luận đều nhằm đến một mục đích phấn đấu thực hiện chính sách tài khóa tiết kiệm, công bằng và bền vững. Cuối bài tham luận TS Sebastian Eckardt kết luận rằng: “Bên cạnh việc tái tạo khoảng đệm khóa và xây dựng hệ thống thuế vì tăng trưởng thì cần cải cách chi theo chiều sâu nhằm đảm bảo tiết kiệm và công bằng, chú trọng tới các loại dịch vụ công cốt lõi và hệ thống quản lý nợ công toàn diện”.
Bế mạc Hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt hi vọng, nền kinh tế Việt Nam 2019 sẽ có nhiều bước phát triển hơn và đạt được những thành tựu lớn.