Phải tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong nền kinh tế Thủ đô
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 22:20, 28/03/2019
Sáng 28-3, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019.
Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, các ban Đảng Thành ủy, các sở, ngành, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố; cùng đông đảo cán bộ chủ chốt Sở Khoa học và Công nghệ.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Ngọc Anh báo cáo cho biết, Sở hiện có 7 phòng chuyên môn, 1 chi cục và 2 đơn vị sự nghiệp với tổng số 187 công chức, viên chức, người lao động. Đảng bộ Sở có 5 chi bộ trực thuộc với 70 đảng viên.
Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả lĩnh vực và ngày càng khẳng định vai trò là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đánh giá các nhiệm vụ khoa học không sử dụng ngân sách, cụ thể là 7 nhiệm vụ. Các sản phẩm hình thành từ kết quả các nhiệm vụ được thương mại hóa và xuất khẩu ra nước ngoài. Thành phố cũng đứng đầu cả nước về số lượng các dự án đầu tư được thẩm định công nghệ; đứng đầu về số lượng các cơ quan, đơn vị quản lý được hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008; đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp khoa học, công nghệ và số lượng đơn của các tổ chức, cá nhân nộp đề nghị cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa với 12.422 đơn được nộp trong năm 2018...
Các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra tiếp tục được chú trọng và bảo đảm đúng quy định, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân đã góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân...
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, hoạt động khoa học và công nghệ thành phố còn không ít hạn chế, khó khăn. Đáng chú ý, các cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển khoa học và công nghệ chưa đồng bộ; còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã chưa chủ động đề xuất, đặt hàng các vấn đề thực tiễn cần khoa học và công nghệ giải quyết. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu còn hạn chế.
Xác định 19 nhóm nhiệm vụ công tác khoa học và công nghệ năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đồng thời cũng nêu 9 kiến nghị, đề xuất với các cơ quan thành phố. Trong đó, Sở kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ thông qua việc triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với hệ thống trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế...
Các cán bộ chủ chốt của Sở Khoa học và Công nghệ đã trao đổi, làm rõ thêm nội dung báo cáo; nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và quản lý nhà nước. Lãnh đạo HĐND, UBND thành phố và các sở, ban, ngành trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của Sở.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. |
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, trong những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ thành phố có nhiều tiến bộ, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Thủ đô, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thành phố thông minh, đáp ứng yêu cầu của thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sở cũng đã tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị một cách quyết liệt, hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; kết nối có hiệu quả với các viện, trường đại học trên địa bàn. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đưa vào ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Đồng chí Hoàng Trung Hải biểu dương, đánh giá cao kết quả công tác quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ trên các lĩnh vực được giao và kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Sở thời gian qua.
Ngoài 6 nội dung hạn chế được nêu trong báo cáo, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ bổ sung những vấn đề được các đại biểu chỉ ra tại buổi làm việc; khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp khắc phục.
Nhấn mạnh bối cảnh, tình hình, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, nhất là khi thành phố đang bước vào giai đoạn nước rút thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, kinh tế thế giới đang có xu hướng phát triển chậm lại, vì thế các cấp, các ngành, trong đó có Sở Khoa học và Công nghệ phải nỗ lực hết sức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch kinh tế; phải đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ trong nền kinh tế. Vì hiện nay, đóng góp về khoa học - công nghệ trong tăng trưởng kinh tế Thủ đô theo tính toán còn thấp so với mong muốn; chưa vượt qua mức bình quân cả nước.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo tập thể Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; duy trì tập thể đoàn kết, sáng tạo; phát huy năng lực, trí tuệ của từng cá nhân; làm tốt công tác đánh giá cán bộ, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả từng vị trí việc làm; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gương mẫu thực hiện 2 quy tắc ứng xử.
Về công tác chuyên môn, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ phải đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh; nâng cao sự chủ động và chất lượng tham mưu về nhiệm vụ này. Đề nghị Sở làm tốt hơn vai trò cơ quan thường trực của Ban chủ nhiệm Chương trình số 20-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Bí thư Thành ủy mong muốn Sở nghiên cứu, đề xuất những giải pháp đột phá về khoa học - công nghệ trong giai đoạn mới cho thành phố bằng tư duy đổi mới.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ cần tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ để có giải pháp khắc phục khó khăn, tăng cường giải ngân; tham mưu đổi mới về chế tài xử lý hành chính lĩnh vực khoa học công nghệ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính vừa bảo đảm chặt chẽ trong quản lý, vừa khích lệ được sự phát triển của khoa học và công nghệ, có tính đến yếu tố đặc thù của Thủ đô. Sở cũng cần rà soát, đánh giá công tác ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế để có giải pháp thúc đẩy lĩnh vực này; đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối với các cơ sở khoa học - công nghệ trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu khoa học - công nghệ; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng khoa học thành phố, bảo đảm thẩm định chính xác chất lượng sản phẩm, dịch vụ của thành phố, trước hết là các dự án phục vụ dân sinh.
Về các kiến nghị, đề xuất của Sở, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, khẩn trương giải quyết cụ thể, tạo điều kiện xứng đáng cho ngành Khoa học và Công nghệ thành phố phát triển và đóng góp lớn hơn vào sự phát triển chung của thành phố. Đặc biệt, đồng chí lưu ý, đích thân Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp chỉ đạo, quan tâm sát sao công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến an ninh trật tự, an toàn sức khỏe của gần 10 triệu dân đang sinh sống trên địa bàn.