Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021

Tin tức - Ngày đăng : 07:35, 29/03/2019

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021
Ảnh minh họa

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại Nghị quyết này bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), xã, phường, thị trấn (cấp xã).

Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện trên để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Nguyên tắc sắp xếp

Nghị quyết nêu rõ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các đơn vị hành chính được sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, trừ trường hợp nhập từ ba đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc nhập hai đơn vị hành chính cùng cấp nhưng do có yếu tố đặc thù mà không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề.

Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội; gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nghị quyết nêu rõ một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cụ thể, khi nhập huyện có diện tích tự nhiên, quy mô dân số chưa đạt tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 vào thành phố thuộc tỉnh hoặc thị xã liền kề thì không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị phải được Bộ Xây dựng đánh giá đạt từ 50% trở lên tiêu chuẩn của loại đô thị hiện có quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13).

Khi điều chỉnh một hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã của đơn vị hành chính cấp huyện liền kề để nhập vào thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết này thì không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị phải được Bộ Xây dựng đánh giá đạt từ 50% trở lên tiêu chuẩn của loại đô thị hiện có quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

Khi nhập xã hoặc điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã vào phường, thị trấn liền kề để giảm đơn vị hành chính và hình thành đơn vị hành chính đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 thì không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý sau khi sắp xếp


Nghị quyết nêu rõ, tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính tương ứng có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.

Việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm theo hướng tinh gọn, hợp lý, không làm tăng thêm đầu mối các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương; bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi tiến hành sắp xếp.

Khi xây dựng đề án sắp xếp, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phải đánh giá, phân loại, dự kiến bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải có lộ trình hợp lý.

chinhphu