Có một giải thưởng không tên

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 21:40, 23/03/2022

Ngày 10/ 10/2020, tôi may mắn được đem máy quay đến ghi hình và phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Hơn một tiếng đồng hồ, nhạc sĩ kể cho tôi nghe về cuộc đời của ông, về những câu chuyện “ba chìm, bảy nổi” với những sáng tác tâm đắc nhất của mình...
Có một giải thưởng không tên
Nhạc Sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ xuất thân trong một gia đình khoa bảng, quê gốc ở làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1940, khi mới lên 5, cậu bé Tuệ đã được cha mẹ gửi vào Sài Gòn học Trường Chasseloup - Laubat, vì vậy chỉ mới 9, 10 tuổi đã học được tiếng Pháp, hát bằng tiếng Pháp. Những kỳ nghỉ hè, khi về quê, cậu được theo cha đi nghe hát ví, hát giặm. Đang học hành tấn tới thì năm 1944 khi Sài Gòn sắp có biến, ông buộc phải theo gia đình người anh cả rời Sài Gòn về Vinh, để học tại Trường sơ đẳng Cao Xuân Dục. Một năm sau ông lại phải chuyển về huyện nhà học Trường cấp II Đặng Thúc Hứa. Những năm học tại đây, Nguyễn Tài Tuệ đã có những ca khúc đầu tay như: Hò dân công, Nắng sớm ra đồng, Lên chiến khu, Xuân nay sao chưa về. Cũng chính trong thời gian này chàng thanh niên say mê âm nhạc ấy đã tìm đọc và học hỏi qua những sách nhạc lý cơ bản bằng tiếng Pháp. Từ năm 1950 đến năm 1953, ông học và tốt nghiệp Phổ thông cấp III Huỳnh Thúc Kháng.
Có một giải thưởng không tên
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hướng dẫn bài hát cho ca sĩ Băng Tâm

Khi học hết cấp 3, bố ông nói: “Con phải ra Hà Nội vì đó là trung tâm văn hóa xã hội của cả nước. Ta muốn con học lên cao để làm nghề thầy giáo”. Nguyễn Tài Tuệ ra Hà Nội, định thi vào Trường Đại học Tổng hợp, nhưng vì ra chậm 2 tháng, nên không vào học được trường này. Chàng trai 18 tuổi ấy đành phải thuê trọ tại phố Lò Đúc và ngày ngày đi đẩy xe gạo ở bến Phà Đen để kiếm sống. 
Tới Đại hội Văn công toàn quốc, ông gặp người bạn cũ của mình là Trọng Bằng - người đã từng cùng ông hoạt động nghệ thuật nghiệp dư ở khu Bốn. Trọng Bằng mách Nguyễn Tài Tuệ hãy đi thi  tuyển vào Đoàn Văn công Trung ương đóng ở Quán Sứ. Người tuyển là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao. Lần đó, ông dự tuyển với ca khúc Bắc Sơn của Văn Cao. Ngày 1/1/1955 ông được tuyển về Đoàn Văn công Trung ương (nay là Nhà hát Ca  múa nhạc Việt Nam), làm diễn viên hát giọng nam cao với những ca sĩ: Quốc Hương, Mai Khanh, Chu Minh, Thương Huyền trong một dàn hợp xướng và bắt đầu tập sáng tác. Ông càng khẳng định được con đường mình phải đi là âm nhạc, khi được xem Đoàn Ca múa Nhân dân Triều Tiên biểu diễn tại Nhà hát Nhân dân (nay là địa điểm của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô). Từ đó, Nguyễn Tài Tuệ lao vào tự học nhạc qua cả sách tiếng Việt, tiếng Pháp, những giáo trình về hòa thanh, khúc thức... đều được ông đọc và ghi chép cẩn thận.
Làm diễn viên  được 2 năm, thì đầu năm 1957, Nguyễn Tài Tuệ được điều lên Ðoàn Ca múa Lao Hà Yên (Lào Cai - Hà Giang - Yên Bái) với nhiệm vụ dạy nhạc cho số diễn viên mới, thay thế những diễn viễn đã bị thổ phỉ giết hại ở Hoàng Su Phì. Tại đó ông được tiếp xúc nhiều với dân ca các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dáy... và sáng tác được nhiều ca khúc bất hủ như: Lời ca gửi noọng sau này đổi tên là Mùa xuân gọi bạn, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Đêm Sa Pa, hợp xướng Xuân về trên bản, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó...
Tôi hỏi anh: “Em nghe nói đã có lần Mùa xuân gọi bạn bị cấm phải không anh?”. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lim dim đôi mắt rồi kể: “Đó là lần tôi đi công tác ở Quản Bạ (Hà Giang). Đang dẫn đoàn đi thì từ sau vách núi tôi nghe mấy cô gái Nùng hát đoạn dân ca hay quá. Tôi liền bảo cả đoàn đi tiếp, còn riêng tôi ở lại một chút và vội tốc ký ngay đoạn dân ca này. Ít lâu sau có đoàn đi biểu diễn tại Trung Quốc, ca sĩ Khánh Vân nhận hát ca khúc này cho đoàn và được hoan nghênh nhiệt liệt”.
Tôi ngắt lời anh: “Bài này hay quá, sao lại bị phê phán thế anh?”. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bộc bạch: “Chết nỗi, khi Đoàn về phải biểu diễn báo cáo tại Nhà hát Lớn cho Bộ Chính trị và Bộ Văn hóa xem cùng khách nước ngoài. Ngay sau đó hai cán bộ lãnh đạo ở Bộ Văn hóa đã viết báo phê bình ca khúc này, họ cho rằng: “Đối tượng của âm nhạc chúng ta lúc này là công-nông-binh, phục vụ cho các chiến sĩ và người lao động. Tại sao chúng ta lại để một ca khúc có lời lẽ như thế này.

“Noọng về cùng ta tiếng ca lưng núi ta tắm chung dòng suối...?” Như vậy là: “hủ hóa trong âm nhạc”. Không biết có phải vì thành kiến với tôi là con địa chủ (mặc dù bị quy oan), mà bài hát đã bị cấm suốt mấy năm. Đến Đại hội Văn công Việt Bắc khoảng 1966, có 15 đoàn văn công về tham dự hội diễn. Trong số đó, 5 đoàn trong chương trình có hát ca khúc Mùa xuân gọi bạn. Lúc đó, nhà thơ Nông Quốc Chấn là Giám đốc Sở Văn hóa Việt Bắc ra lệnh cấm hát bài này trong hội diễn. Cả 5 đoàn đều phản ứng dữ dội. Họ bảo nếu cấm họ xin bỏ hội diễn. Thế là cuối cùng ca khúc này vẫn được biểu diễn trong hội diễn nhưng sau đó vẫn bị cấm tiệt trong suốt 10 năm...”.
Anh Nguyễn Tài Tuệ nói tiếp: “Bài Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó của mình cũng bị cấm một thời gian. Một nhạc sĩ có tiếng ở Tây Bắc đã báo cáo với Đảng ủy Bộ Văn hóa rằng: Bài này dựa trên nét nhạc của hát then - là một điệu hát tâm linh, ma quỷ của những thầy cúng người Tày ở vùng Ngân Sơn, Cao Bằng.Thế thì sao có thể chấp nhận là bài hát để tôn vinh về Bác Hồ? Chẳng phải là một thái độ bất kính hay sao?... Lúc đó, ông Nông Quốc Chấn - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân gian của Bộ Văn hóa lại gọi Nguyễn Tài Tuệ về để làm rõ ngọn ngành. Nguyễn Tài Tuệ trả lời ngắn gọn: “Thưa anh. Đây là dân ca của người Tày chính ở quê hương anh đấy - Ngân Sơn, Cao Bằng. Họ vẫn hát thường xuyên và vừa qua tốp nữ Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã thu âm và phát sóng. Mọi người hoan nghênh chứ có ý kiến gì đâu”. Thế là bài hát được cho qua. 
Thế còn ca khúc Xa khơi anh viết trong hoàn cảnh nào?, tôi hỏi.
Năm 1968, tôi đang ở trên Tây Bắc thì anh Lưu Hữu Phước gọi về để đi công tác vùng giới tuyến. Sau này tôi mới biết chính nhà thơ Lưu Trọng Lư đã đề nghị anh Phước cho gọi tôi về đi cùng đoàn để ngâm thơ cho Lưu Trọng Lư trên bờ Bắc sông Bến Hải, qua những chiếc loa công suất lớn chĩa về bờ Nam.
Anh Tuệ nói tiếp: “Lúc ở giới tuyến là tôi đã thèm viết lắm khi chứng kiến cảnh chia lìa đôi lứa giữa 2 miền Nam - Bắc. Và tôi quyết định sẽ viết một ca khúc lấy tên là Xa khơi, nhưng không viết theo dạng tả chân mà phải là ca khúc hơi siêu thực, hơi tượng trưng. Xa khơi là cái gì? Chả là cái gì cả. Tôi muốn ẩn sau nó là giai điệu âm nhạc cộng với lời để nói lên giá trị của vấn đề mình muốn đề cập. Ba năm sau tôi mới viết ca khúc này để dự cuộc thi sáng tác âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Thống nhất Trung ương, Bộ Văn hóa tổ chức. Tôi đã viết trong 6 tháng mới hoàn thành, nhưng rồi Hội đồng duyệt phê phán là ca khúc viết khó hiểu cả về âm nhạc lẫn lời ca...
Anh Tuệ lại mỉm cười rồi phân bua với tôi: “Họ không hiểu được vì tôi viết một cách siêu thực, khác với những ca khúc lúc bấy giờ. Giá trị của nghệ thuật chính là tính nhân văn và nhân bản. Điều sống mãi với thời gian ở ngay cạnh chúng ta, là tình yêu quê hương, đất nước, Tổ quốc; tình yêu gia đình, đôi lứa...”.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đề nghị tôi sửa lời nhưng tôi từ chối: “Em xin anh. Em không thể sửa lời được. Anh có vứt nó ra khỏi cuộc thi em cũng đành chịu nhưng em nói nhỏ với anh, em nghĩ rằng may ra nó sống đấy”. Trong cuộc thi đó, ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường cũng bị bỏ ra ngoài cuộc thi vì có câu: “...Mây đen bao phủ chân trời”.
“Rất may lúc đó có ông Trung tướng tên Vịnh - Phụ trách Ban Thống nhất Trung ương đề nghị Hội đồng chấm giải cứ cho 2 bài này phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam để lấy ý kiến nhân dân. Nếu họ phản đối thì ta tạm dừng. Ba tháng trôi qua, nhiều ý kiến ca ngợi 2 ca khúc này. Thế là bài Xa khơi lại vào được giải nhưng chỉ đứng đầu giải Nhì”, anh Tuệ rũ ra cười...
Năm 1967, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được cử sang học đại học tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Khi tới trường, ban giám hiệu yêu cầu ông xuất trình bằng Sơ cấp và Trung cấp Âm nhạc ở Việt Nam. Ông trả lời: “Tôi không có”. Họ bảo: “Thế thì sao ngài vào học đại học bên tôi được. Ngài phải học lại từ đầu”. Rất may, lúc đó nhờ vị Đại sứ của Việt Nam tại Bắc Triều Tiên can thiệp: “Thưa các ngài, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ của chúng tôi đã tự học từ nhỏ những kiến thức cơ bản về âm nhạc. Hiện ông là nhạc sĩ có những ca khúc nổi tiếng ở Việt Nam”. Ban giám hiệu trả lời với Nguyễn Tài Tuệ: “Thế thì ông tự hát cho chúng tôi nghe một vài tác phẩm của ông”. Nguyễn Tài Tuệ ngồi vào piano và tự hát Xa khơi rồi Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó. Nghe xong bài thứ hai, ông hiệu trường nhà trường xua tay: “Thôi đủ rồi. Ông được tuyển thẳng vào Đại học Âm nhạc Bình Nhưỡng của chúng tôi”.
Có lẽ vì sự đặc cách chưa từng có tiền lệ mà trong 5 năm ở trường ông đã lao vào học để chứng minh cho nhà trường biết là ông xứng đáng với đặc ân trên. Kết quả, kỳ thi cuối năm thứ 5 trong 21 môn thi ông có tới 19 môn đạt điểm 10 và 2 môn đạt điểm 9. Năm 1973, ông về công tác tại Đoàn Ca - Nhạc dân tộc Trung ương với tấm bằng đỏ, cho đến tận ngày ông nghỉ hưu.
Nguyễn Tài Tuệ là một nhạc sĩ viết không nhiều ca khúc: chỉ 18 bài nhưng hầu hết các tác phẩm của ông rất hay và đi vào lòng người. Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ còn viết nhạc múa Hương xuân và Xúc tép, ca kịch Nữ thần mặt trời, rondo sonate Hy vọng, concerto Thanh Xuân cao nguyên và Đợi chờ, giao hưởng Giục giã và đặc biệt là bản giao hưởng 4 chương Thắng lợi. Tiếc rằng bản giao hưởng này do dàn nhạc giao hưởng Bình Nhưỡng thể hiện, nhưng khi về nước chiếc băng cối và bản nhạc đã bị hư hỏng.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà Nội. Anh em ở Hội Âm nhạc Hà Nội chúng tôi không thể quên được hình ảnh của anh trong những buổi sinh hoạt vào ngày 15 hằng tháng. Anh ngồi đó, vẻ mặt đôn hậu, lắng nghe tác phẩm của mọi người. Anh là người thẳng tính, nhưng khiêm tốn lạ thường, thích nghe mọi người nói và không thích mọi người nói nhiều về mình...
Ghi nhận cống hiến sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Chủ tịch nước đã trao tặng ông Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 1998 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Nhưng, người nhạc sĩ tài hoa vừa mới đi xa này còn có một giải thưởng không tên - đó là những ca khúc, những bản hợp xướng... của ông đã đi vào lòng của công chúng nhiều thế hệ.
Có một giải thưởng không tên

Có một giải thưởng không tên

Có một giải thưởng không tên

PGS.TS Lân Cường