Phê phán để nắn chỉnh hành vi lệch chuẩn văn hóa
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 22:06, 06/04/2019
Trao đổi với phóng viên thị xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, VHƯX là gương mặt của văn hóa, đồng thời cũng thể hiện cốt cách dân tộc. Một xã hội có tốt đẹp, văn minh hay không trước hết nhìn vào thái độ ứng xử giữa con người với nhau…
Sụt lở về nền tảng đạo đức xã hội
Cuộc Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mức văn hóa ứng xử” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019 vừa qua đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Phải chăng VHƯX trong đời sống xã hội hiện đại đã thực sự trở nên rất cấp bách, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội, thưa ông?
- VHƯX chính là gương mặt nhưng đồng thời cũng là bản chất của văn hóa, thể hiện cốt cách của dân tộc. Một xã hội có tốt đẹp, văn minh hay không nhìn trước hết vào thái độ ứng xử giữa con người với nhau. Hà Nội là gương mặt đại diện tiêu biểu của đất nước và Hà Nội chỉ thực sự là Hà Nội khi đẹp về văn hóa.
Cần khẳng định, chuẩn mực VHƯX đang là một vấn đề nóng trong đời sống xã hội. Nhức nhối nhất ở Việt Nam cũng như Hà Nội hiện nay là văn hóa giao thông, rồi văn hóa xếp hàng của người Việt, vẫn còn tình trạng chen lấn, xô đẩy, thiếu nhường nhịn… tiếp đó là tệ xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, còn rất nhiều biểu hiện tiêu cực trong VHƯX của người Việt như ồn ào, nói tục, chửi bậy, trễ giờ, vô cảm… Thực tế đời sống xã hội hôm nay cho thấy VHƯX đang có nhiều mặt bị suy giảm.
VHƯX không chỉ thể hiện ở những gì nói và làm với nhau hàng ngày mà giờ đây còn được thể hiện ở trên MXH. Những ngày gần đây, trên MXH, giới trẻ tung hô hai nhân vật “giang hồ mạng” là Khá "Bảnh" và Dương Minh Tuyền. Dù hai người này đã có những video trên Youtube rất phản cảm nhưng lại thu hút hàng triệu lượt xem và theo dõi. Ông nghĩ sao về việc cái xấu trong xã hội lại có sức hút như vậy đến giới trẻ?
- Khá "Bảnh" (tên thật là Ngô Bá Khá - PV) và Dương Minh Tuyền là hai nhân vật bất hảo, nhưng lại có sức hút đặc biệt đến cư dân mạng, nhất là với người trẻ. Riêng Khá "Bảnh" có 3 tiền án, tiền sự về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Tháng 3/2019, Khá đã hai lần bị công an lập biên bản hành chính do đốt xe máy rồi quay video; đứng dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ngày 1/4/2019, Khá đã bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt tạm giam vì đánh bạc và qua xét nghiệm có dương tính với ma túy.
Việc lan truyền những hành động phản cảm trên MXH đã là một điều đáng lo ngại, nhưng càng nguy hại hơn khi những kẻ có hành vi lệch chuẩn ấy lại được giới trẻ tung hô như thần tượng. Đối với những bạn trẻ đang ở lứa tuổi chưa phân biệt được cái tốt, cái xấu thì những điều mới lạ, những hành vi khác biệt luôn có sức hấp dẫn. Trách nhiệm của nhà trường, gia đình và đặc biệt của báo chí, truyền thông là phải phê phán những hành vi lệch chuẩn ấy, phân tích để các bạn trẻ nhận biết được đúng, sai, từ đó có điều chỉnh nhận thức và hành động một cách đúng đắn.
Trong những ngày qua, một số tờ báo đã có nhiều bài viết phê phán những hành động lệch chuẩn này với các phân tích sâu sắc và thuyết phục. Song, rất đáng trách, lại có tờ báo đưa thông tin và bình luận như để khích lệ hành động lệch chuẩn của hai nhân vật này. Như vậy thì làm sao báo chí, truyền thông có thể dẫn dắt dư luận xã hội, nhất là lớp trẻ hướng đến những điều đúng đắn, tốt đẹp?
Lẽ ra khi đời sống kinh tế tốt lên thì đời sống văn hóa của con người cũng phải tốt lên, nhưng với những gì ông vừa nêu thì lại không phải như vậy. Điều này phải chăng là một sự mâu thuẫn, thưa ông?
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã từng nhấn mạnh rằng: “Một dân tộc có nền kinh tế phát triển cũng đáng được ca tụng, nhưng sẽ vinh dự, tự hào hơn nếu dân tộc đó được ca ngợi là một dân tộc có văn hóa”. Nhớ lại thời kỳ trước đây, nhiều khi người ta vẫn nuối tiếc về một thời rất gian khổ nhưng con người vẫn đối xử tốt và ấm áp với nhau. Vậy mà bây giờ khi đời sống văn minh, ấm no hơn nhưng ở đâu đó vẫn còn có những ứng xử không đẹp, gây nhức nhối trong xã hội. Đây là một nghịch lý rất đáng báo động, thể hiện dấu hiệu sụt lở về nền tảng đạo đức xã hội…
Văn hóa ứng xử thể hiện cốt cách dân tộc
Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu đưa ra các biện pháp để cải thiện tình trạng này. Như ở TP Hà Nội đang triển khai được Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức… Ông đánh giá thế nào về những giải pháp đang được đưa ra?
- Việc ban hành 2 Quy tắc ứng xử của TP bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực; đã hình thành những chuẩn mực văn hóa của tổ chức, cá nhân nơi công cộng cũng như góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Thủ đô kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện. Song những cái tốt đó còn ít và còn chậm chuyển biến. Đến nỗi, một số ý kiến cho rằng người Việt Nam yếu kém hơn về văn hóa so với một số dân tộc khác. Nhưng cần phải khẳng định rằng nếu dân tộc ta kém về VHƯX, kém về tinh thần, thì tại sao một dân tộc như thế lại có thể vượt qua được biết bao nhiêu khó khăn, cả nghìn năm Bắc thuộc, chống chọi với thù trong giặc ngoài nhưng cuối cùng văn hóa, cốt cách dân tộc vẫn còn?
Để dẫn tới tình trạng “lệch chuẩn” trong VHƯX là do có một thời gian ta đã chỉ chú ý đến phát triển kinh tế mà để văn hóa đi sau, mà đáng lẽ kinh tế và văn hóa phải luôn được phát triển song hành. Kinh tế phát triển phải giải quyết tốt các vấn đề về văn hóa xã hội. Đích đến của VHƯX là con người sống tử tế với nhau, yêu thương nhau, nhân ái, biết nhường nhịn, chia sẻ, cống hiến…
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để xây dựng chuẩn mực trong VHƯX, nhất là đối với Hà Nội?
- Xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội song hành với văn hóa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Song một xã hội có đẹp hay không không chỉ bắt đầu từ chính sách, mà bản thân VHƯX phải được xây dựng một cách gắn kết từ trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Riêng với Hà Nội, TP đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử tương đối công phu, nhưng nếu không cẩn thận 2 Quy tắc đó sẽ chỉ nằm trên giấy. Cần đưa nội dung những quy tắc ấy thấm sâu vào nhận thức, trở thành một nếp nghĩ và thói quen hành động của người dân.
Hiện nay, chúng ta không chờ đợi đến khi có một bộ Quy tắc ứng xử thật sự đầy đủ, chuẩn mực rồi thì mới xây dựng VHƯX. Ở một số nơi, biện pháp ấy đã trở thành những phong trào cụ thể như: Phong trào chống đổ rác, phong trào nói lời hay, làm việc tốt… Những cái đó đã tự nhiên được tạo dựng, mọi người nhắc nhở nhau, dần dần hình thành những ứng xử đẹp trong đời sống xã hội.
“Mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng” vì thế mỗi một sản phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa. Vì vậy, báo chí có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuẩn mực VHƯX, thưa ông?
- Đúng vậy! Vụ một nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng là vụ việc gây chấn động dư luận về bạo lực học đường. Từ vụ việc đó, xuất hiện “giang hồ mạng” được tung hô trên MXH là sự lệch lạc của VHƯX. Báo chí định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu. Phải làm sao để báo chí thấm sâu vào quần chúng, để văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân.
Để làm được điều đó, báo chí không chỉ mô tả, phản ánh các vụ việc, hành vi văn hóa, mà phải phân tích thấu đáo, từ đó đưa ra khuyến nghị về ứng xử. Vì thế, không chỉ cần nhà báo mà còn cần những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa cùng với nhà báo viết lên những tác phẩm đi vào lòng người, đóng góp tích cực để làm thay đổi hành vi, hướng tới chuẩn mực VHƯX.
Ngoài ra, bên cạnh kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cần có biện pháp xử lý kiên quyết hơn đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Như vụ việc Khá "Bảnh" vừa rồi, cơ quan chức năng đã xử lý rất kịp thời, song cần phải làm mạnh hơn nữa đối với các trường hợp tương tự.
Xin trân trọng cảm ơn ông!