Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 07:34, 08/04/2019
Ngô Quyền là một nhân vật lịch sử đã được nhiều nhà nghiên cứu của nhiều thời đại vinh danh trong sử sách. Về công đức và tài năng của Ngô Quyền sử sách chính thống đã khắc ghi, trong dân gian truyền đời này qua đời khác lòng dân ghi tạc và truyền tụng. Đến thời hiện đại, vị lãnh tụ vĩ đại của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã viết trong Việt Nam Quốc diễn ca: “Ngô Quyền quê ở Đường Lâm/ Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”. Nhân dịp kỉ niệm 1.080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội thảo
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu đánh giá: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa xưng ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”. Còn Ngô Sĩ Liên thì khẳng định: “Tiền Ngô nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”.
Ngô Quyền sinh năm 897 – mất năm 944, sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội). Ông xuất thân trong gia đình nhiều đời làm hào hữu, cha là Ngô Mân làm mục châu Đường Lâm; thân mẫu là Phùng Thị Tịnh Phong, cũng là người Đường Lâm, thuộc dòng dõi của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Khi trưởng thành, Ngô Quyền nổi tiếng là một trang hào kiệt, văn võ toàn tài.
Đất nước ta từ khi bị Triệu Đà xâm chiếm cho đến nhà Đường đã trải qua hơn 1000 năm, mặc dù đi qua các cuộc khởi nghĩa nhưng thời kì này lịch sử vẫn tạm gọi đó là thời Bắc thuộc. Và hơn 1000 năm Bắc thuộc ấy được xóa bỏ bởi vị vua vĩ đại của lịch sử Ngô Quyền trên nền tảng gây dựng của các Tiết độ sứ họ Khúc, họ Dương. Năm Ất Sửu 905 nhận thấy nhà Đường suy yếu, phản loạn nổi dậy khắp nơi, khi đó Khúc Thừa Dụ một hào trưởng ở đất Hồng Châu (nay là vùng Cúc Bồ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đã dấy quân nhanh chóng đập tan quan quân nhà Đường và xây dựng một chính quyền tự chủ, được ba đời thì Dương Đình Nghệ kế vị. Tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị nha tướng cũng là con nuôi của mình tên Kiều Công Tiễn – một thứ sử Châu Phong (nay thuộc địa phận Phú Thọ, Vĩnh Phúc) giết chết để đoạt quyền. Lập tức Ngô Quyền đem quân ra Ái Châu hỏi tội tên nghịch tặc bán nước, Kiều Công Tiễn bấy giờ hoảng sợ bèn cầu cứu nhà Hán. Nhà Hán đã nhăm nhe xâm lược ta từ lâu, chỉ chờ thời cơ là trực chiếm. Nắm lấy cơ hội này vua Hán bèn sai con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem quân sang cứu Kiều Công Tiễn. Vua Hán tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Kiều Công Tiễn bấy giờ chưa nhận được quân cứu viện từ Hoằng Tháo đã bị giết chết, sau đó trận Bạch Đằng lịch sử diễn ra cuối tháng 12 năm Mậu Tuất (938).
Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán diễn ra ác liệt và kết thúc rất nhanh gọn. Chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa lịch sử to lớn, là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, phá tan âm mưu “đồng hóa” của Hán tộc, mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc – Kỉ nguyên phát triển của quốc gia độc lập, tự chủ. Trận chiến lịch sử này là một dấu son chói lọi đồng thời là một sự kiện lịch sử mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa – kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương. Ông đã xây dựng một chính quyền hoàn toàn tự chủ, độc lập và trị vì từ năm 939 đến năm 944.
Ngoài ý nghĩa lịch sử chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, trận chiến trên sông Bạch Đằng còn là điểm mở đầu cho nghệ thuật thủy chiến của dân tộc ta. Đúng 350 năm sau trận đánh Bạch Đằng lần đầu tiên ấy, cùng trên con sông lịch sử đó, nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn phát huy và kế thừa nghệ thuật thủy chiến của Ngô Vương và đã tiêu diệt được sáu vạn quân xâm lược mở mang bờ cõi cho dân tộc.
Đông đảo các nhà khoa học và các nhà chuyên môn đã tới tham dự hội thảo “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”
Bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc
Theo nhà nghiên cứu TS. Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Bạch Đằng gắn liền với việc xưng vương của Ngô Quyền. Xưng vương và định đô tại Cổ Loa là khẳng định sự độc lập tự chủ của dân tộc, là nối tiếp Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Vương. Chính cái lẽ đó mà Phan Bội Châu nhấn mạnh: “Truyền thống của nhà nước bị đứt đoạn mà biết nối lại được”. Ý nghĩa khởi đầu một giai đoạn lịch sử độc lập tự chủ với tư cách một quốc gia có vua (người đứng đầu) và thể chế (việc đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục).
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) cho rằng: “Triều Ngô được thành lập sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử đã tạo nên bước ngoặt vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Bước vào thế kỷ X, ý thức độc lập tự chủ, bản lĩnh của dân tộc đã trưởng thành vượt bậc. Trong thời gian triều Ngô tồn tại (939 – 965) những diễn biến bên trong và bên ngoài triều đình Cổ Loa đã phản ánh tương đối trọn vẹn thực tế lịch sử thế kỷ X – thế kỷ chuyển nối giữa hai thời kỳ khác biệt: thời kỳ Bắc thuộc, chống Bắc thuộc và thời kỳ Đại Việt, mở đầu bằng việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Trong sự chuyển nối đó, sự tồn tại của triều đình Cổ Loa được coi như là một trong những dấu mốc quan trọng nhất”.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhận định: “Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa là chung đúc của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc của cả dân tộc, là bước tiếp nối và nâng tầm trận chung kết lịch sử Bạch Đằng toàn thắng, đánh dấu một bước một bước tiến rất dài, rất căn bản của lịch sử Việt Nam”.
Ngô Quyền định đô ở Cổ Loa, vùng đất Hà Nội lại khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu phục hưng độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. Cổ Loa sau một thiên niên kỷ vẫn còn lại dấu tích “thành xoáy ốc” với tổng chiều dài 16,150km. Thành gắn với hệ thống sông Hoàng Giang, sông Đuống, sông Lục Đầu. Hệ thống thành lũy Cổ Loa là công trình quân sự liên hoàn, vừa phòng thủ vừa tiến công cho cả bộ binh và thủy binh. Ông Nguyễn Văn Chiến (Hội Mỹ thuật Việt Nam) và ông Ngô Minh (Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long) cũng cho rằng Kinh đô Cổ Loa đáp ứng được các vai trò chính trị, kinh tế, quân sự. Ngô Quyền không đóng đô ở thành Đại La, vì ở đấy trống trải không phải thành trì chống ngoại xâm.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ hi vọng nhân kỷ niệm 1080 năm sự kiện lịch sử trọng đại này, các giá trị vĩnh hằng sẽ được nhận thức và đánh giá đúng, làm cơ sở tôn vinh vị Tổ trung hưng đất nước Ngô Quyền, đúng như đóng góp của ông vào tiến trình lịch sử dân tộc.