Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Triển vọng lạc quan
Tin tức - Ngày đăng : 09:07, 08/04/2019
Những tiến triển thực chất và tích cực đã được ghi nhận sau vòng đàm phán thứ 9 giữa đại diện cấp cao phái đoàn Mỹ và Trung Quốc, vừa diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) vào tuần qua.
Kết quả đáng khích lệ này là cơ sở quan trọng hướng tới giải quyết căng thẳng thương mại trong suốt hơn 1 năm qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, vốn không chỉ khiến Bắc Kinh và Washington tổn thất hàng tỷ USD mà còn để lại những hậu quả khó lường cho tăng trưởng toàn cầu.Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) cùng đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại vòng đàm phán ở Washington (Mỹ). |
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ năm 2018, khi hai nước liên tiếp sử dụng các hành động “ăn miếng, trả miếng” nhằm vào hàng hóa của nhau. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị áp mức thuế mới của hai bên đã lên tới 360 tỷ USD. Sau nhiều vòng đàm phán sâu rộng diễn ra ở cả Bắc Kinh và Washington nhiều tháng qua song không đạt được đột phá, Phó Thủ tướng Lưu Hạc - Cố vấn kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục dẫn đầu phái đoàn nước này trong các cuộc hội đàm với đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin với kỳ vọng tìm kiếm sự đồng thuận mới về thương mại, phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hiện nay.
Hiệu quả tích cực trong các cuộc đối thoại về những vấn đề then chốt của thỏa thuận thương mại song phương là điều được các nhà lãnh đạo hai bên ghi nhận sau 2 ngày làm việc của phái đoàn tại Washington. Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều nhận định, hai bên đã đạt những tiến bộ nhanh chóng và tiến đến rất gần một thỏa thuận chung sớm nhất có thể.
Dù nội dung cụ thể trong các cuộc đối thoại vừa qua chưa được công bố, song có thông tin cho biết, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cam kết tăng mua các sản phẩm dầu khí, nông sản từ Mỹ và cho phép các công ty xứ Cờ hoa được nắm giữ toàn bộ cổ phần khi hoạt động tại thị trường tỷ dân này. Đổi lại, Washington có thể hạ thấp hoặc dỡ bỏ toàn bộ mức thuế mới áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh với tổng giá trị 250 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã có thêm nhiều nhượng bộ về việc mở cửa thị trường nhằm thúc đẩy ký kết thỏa thuận vào cuối tháng này. Không loại trừ khả năng một số mức thuế mới áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc sẽ được Mỹ giữ nguyên trong một khoảng thời gian nhất định để bảo đảm Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận đề ra.
Dù vậy, những tiến triển trong vòng đàm phán lần này vẫn được giới quan sát đánh giá tương đối thận trọng. Tờ SCMP nhận định, yêu cầu được phía Mỹ đưa ra đòi hỏi những thay đổi ảnh hưởng tới cơ cấu của cả nền kinh tế Trung Quốc, với vai trò định hướng của các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần mà Tổng thống Mỹ đưa ra cũng là con số bất ngờ bởi dù đã đạt một số tiến triển nhất định trong đàm phán, Washington và Bắc Kinh vẫn cần thêm thời gian để tìm giải pháp cho nhiều vấn đề gây chia rẽ sâu sắc như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ... Ngay cả khi đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng, hai nước vẫn cần nhiều vòng đàm phán khác để thảo luận và đi đến thống nhất về cách thức thực thi và ràng buộc hiệu quả.
Phó Giám đốc Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Annine Marie Glude nhận định cục diện hiện nay đã tươi sáng hơn so với nhiều tháng trước đây. Trước mắt, những tiến triển từ vòng đàm phán này đã khai thông hàng loạt vấn đề cốt lõi, mở ra triển vọng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đi đến ký kết thỏa thuận thương mại quan trọng chấm dứt tranh cãi dai dẳng trong thời gian qua.