Cô gái ghép gan đầu tiên tại Việt Nam sau 15 năm
Tin tức - Ngày đăng : 14:51, 08/04/2019
Diệp là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được ghép gan, năm 2004. Ngày nay vết mổ ghép gan không còn đau mỗi khi trái gió trở trời. Khó khăn khép lại. Diệp nỗ lực từng ngày để sống tốt hơn. Cô uống thuốc chống thải ghép điều độ, đi ngủ sớm, ăn uống khoa học và đều đặn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi tháng một lần theo chỉ định của bác sĩ.
Gặp Diệp tại Bệnh viện 103 trong chiếc áo blouse trắng chững chạc, không ai nghĩ cô từng phải trải qua tuổi thơ nhiều lần "thập tử nhất sinh". Năm 3 tuổi, Diệp phải phẫu thuật nối đường mật với ruột do mắc bệnh teo mật bẩm sinh. Năm 9 tuổi, bệnh tình chuyển biến xấu, Diệp buộc dừng lại việc học để lên Hà Nội điều trị.
"Hoàn cảnh gia đình bấy giờ còn nhiều khó khăn, tôi cứ ngỡ con mình sẽ không qua khỏi. Hai vợ chồng không có công việc ổn định, phải đi đổ gạch, cày thuê để kiếm tiền trang trải và lo viện phí cho con gái", bà Phạm Thị Thoa, mẹ của Diệp kể lại.
Năm 2004, Diệp may mắn khi được chọn để thực hiện ca ghép gan tại Học viện Quân Y. Người hiến gan cho em là bố ruột, ông Nguyễn Quốc Phòng, nay 43 tuổi.
Là ca ghép gan đầu tiên Việt Nam, gia đình cũng lưỡng lự ít nhiều. Song, ông Phòng kiên quyết dù chỉ có 1% cơ hội cũng không bỏ cuộc. "Mọi khó khăn sẽ qua nếu gia đình chúng tôi đồng lòng", ông tâm sự.
Thời gian chuẩn bị cho ca phẫu thuật cũng là những ngày giáp Tết. Hai bố con phải nằm cách ly tại viện để theo dõi. Khi đó, Diệp lấy những lời động viên của bố để có thêm sức mạnh. "Chỉ cần qua ca phẫu thuật này, con sẽ không còn đau nữa", Diệp tự nhủ.
Hình ảnh Diệp và bố cách đây 15 năm sau ca phẫu thuật ghép gan. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sáng 31/1/2004, Diệp và bố được đưa vào phòng phẫu thuật. Trước đó, các bác sĩ nán lại, cầm chắc đôi tay nhỏ bé của em như tiếp thêm sức mạnh cho chiến binh đầu tiên ở Việt Nam thực hiện ca ghép lịch sử này.
Để tiến hành ca phẫu thuật, tập thể y bác sĩ Học viện Quân y 103 phải chuẩn bị trong 5 năm. Nhiều chuyên gia được cử đi nước ngoài học ghép gan, miễn dịch, huyết học... Bệnh viện Chợ Rẫy cử 10 bác sĩ ra theo dõi, học tập kinh nghiệm. Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Nhi trung ương cũng cử người tới quan sát. Giáo sư tiến sĩ Lê Thế Trung chỉ huy kíp mổ ghép.
Sau 15 giờ phẫu thuật, giáo sư Trung rời phòng mổ. Ông rưng rưng khi ca mổ thành công ngoài mong đợi.
"Gan tách ra từ bố ghép vào con vừa khớp với nhau và có màu sắc thật hồng hào khỏe mạnh", giáo sư nói sau ca mổ năm ấy.
Diệp nhớ lại, trước khi ghép cô không lo sợ nhiều bằng lúc tỉnh dậy, bởi khi ấy còn bé nên chỉ cần có gia đình bên cạnh là an tâm. Từ sau ca mổ, cô nhận ra sức khỏe là điều vô giá. Cô luôn nhắc nhở bản thân phải giữ gìn và bảo vệ lá gan bố dành tặng. Sức khỏe tốt lên cũng giúp cô gái rụt rè ngày trước nhanh chóng hòa nhập. Cô mở lòng đón nhận những tình cảm của mọi người dành cho mình.
15 năm sau khi hiến gan, sức khỏe ông Phòng vẫn ổn định. Ông hạn chế những việc nặng nhọc và đi khám định kỳ mỗi tháng một lần. Một năm sau ca ghép, gia đình còn đón thêm tin vui khi vợ mang thai một bé trai khỏe mạnh. "Nhìn các con, tôi có thêm điểm tựa để cố gắng mỗi ngày", ông Phòng nói.
"Giờ là lúc chúng tôi cùng nhau đón nhận hạnh phúc", mẹ Diệp tiếp lời.
"Nếu ngày đấy không mạnh mẽ thì đã không có Diệp của ngày hôm nay. Ca ghép gan chính là món quà mà cuộc sống bù đắp cho mình", Diệp nói.
Diệp nói rằng bây giờ cô không chỉ sống cho riêng mình mà phải sống có ích để không phụ sự dũng cảm của bố mẹ, sự đồng lòng của các y bác sĩ và những người đã yêu thương giúp đỡ cô