Thanh Trì chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:32, 25/03/2022
Theo Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Thiêm, từ năm 2018, Hợp tác xã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản "sông trong ao" với 15 bể nuôi trên diện tích 15ha. Các ao nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, hệ thống xử lý nước thải và ô xy hóa. Đến nay, mô hình này đã sản xuất ổn định với sản lượng đạt khoảng 300 tấn cá/năm, doanh thu đạt 7 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống.
Cũng về lĩnh vực này, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, từ năm 2017, Hợp tác xã đã thuê 2.600m2 đất ở Yên Mỹ để trồng rau thủy canh theo hướng công nghệ cao. Thời gian cho thu hoạch bình quân rau có lá (rau muống, rau cải...) khoảng 25 ngày, mỗi năm thu 12-15 lứa rau các loại. Rau của Hợp tác xã đang cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện và thành phố, thu nhập ổn định khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, huyện dành hàng tỷ đồng hỗ trợ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng quy mô lớn gắn với đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa thành vùng tập trung, cho năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng cạnh tranh, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trên địa bàn huyện hiện vẫn chưa nhiều, còn khó khăn trong việc vận động nông dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất. Các hợp tác xã chưa phát huy hết vai trò là cầu nối giữa các hộ sản xuất với đơn vị thu mua. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Nguyễn Văn Vinh, chủ một trang trại tổng hợp ở xã Vạn Phúc, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn để đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, huyện cần mở các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, huyện đang từng bước gỡ khó đầu ra cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, huyện tiếp tục tổ chức các hội nghị khách hàng để giúp cơ sở giới thiệu sản phẩm công nghệ cao, hỗ trợ đóng gói, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để các hợp tác xã có thể tiếp cận được với hệ thống siêu thị, đem lại hiệu quả lâu dài.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh hình thành các chuỗi hộ gia đình sản xuất để bảo đảm số lượng và sự đa dạng sản phẩm, từ đó có những chính sách quảng bá, đưa thương hiệu nông sản sạch của hợp tác xã đến với người tiêu dùng; hình thành và phát triển những mô hình trang trại kết hợp du lịch thực nghiệm nhằm tăng giá trị từ hoạt động dịch vụ cho các xã thuần nông, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn...