Xung lực mới cho ngành hàng không, lợi ích gia tăng cho khách hàng
Tin tức - Ngày đăng : 15:01, 09/04/2019
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỉ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn Châu Á.
Tính đến tháng 1/2019, sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways khiến mạng đường bay trong nước càng mở rộng nhanh chóng. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không nội địa đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong năm 2019, các tổ chức quốc tế dự báo ngành hàng không Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới, dự báo sản lượng hành khách thông qua các sân bay năm 2019 ước đạt 112 triệu lượt hành khách, tăng 8,2% so với năm 2018.
Về chất lượng dịch vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không trong nước bao gồm việc duy trì tỷ lệ chuyến bay đúng giờ.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam vào tháng 3/2019, tỉ lệ bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam là 83%, cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới năm 2018 là 75 - 78%, trong đó Bamboo Airwaysđạt tỉ lệ bay đúng giờ 94,5%, cao nhất toàn ngành.
Sự xuất hiện của Bamboo Airways với mô hình hàng không hybrid đã mang lại một làn gió mới cho thị trường
Với những chính sách thúc đẩy phát triển hàng không trong thời gian tới của Chính phủ, ngành hàng không đang được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng vượt trội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, xã hội phát triển.
Khách hàng hưởng lợi
Tuy nhiên khi “miếng bánh” hàng không đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước nhắm đến, sự cạnh tranh của các hãng hàng không ngày càng khốc liệt.
Hiện nay trong cuộc đua giành thị phần hàng không Việt, hai “ông lớn” Vietnam Airlines và Vietjet Air gần như chiếm toàn bộ thị phần nội địa với hơn 80%, đi kèm những chiến lược kinh doanh khác nhau.
Trong khi Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, lấy chất lượng dịch vụ làm điểm mạnh thì Vietjet cạnh tranh bằng tiêu chí giá rẻ.
Mới đây, sự xuất hiện của Bamboo Airways với mô hình hàng không hybrid, kết hợp hàng không với du lịch, tập trung khai thác những sân bay chưa hoạt động hết công suất đã mang lại một làn gió mới cho thị trường.
Hiện tại, khi chất lượng dịch vụ bay vẫn còn nhiều vấn đề, nổi cộm là việc chậm chuyến, hủy chuyến trong dịp cao điểm còn nhiều thì phía được lợi nhiều nhất chính là khách hàng.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Cục Hàng không từng khẳng định: Thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Ông cho rằng hành khách sẽ có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Nhìn xa hơn, bên cạnh một bộ phận hành khách lựa chọn hàng không là để di chuyển, thì việc khai thác các đường bay thẳng kết nối các điểm du lịch của Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội, thu hút du khách cũng như nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.