Anh em bất hòa vì chị em dâu không ưa nhau
Tin tức - Ngày đăng : 11:04, 10/04/2019
Hai hoàng tử Anh cùng Thái tử Charles tới sự kiện ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tối 4/4. Ảnh: PA.
Báo chí gần đây đồng loạt đưa tin về mối quan hệ bất hòa đã được đẩy lên đến cao trào của anh em nhà hoàng tử William và Harry. Gần đây nhất, tối 4/4, Hoàng tử William và em trai Harry cùng Thái tử Charles tham dự một sự kiện ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để trao đổi về vấn đề môi trường. Lúc đến nơi, hai hoàng tử ngồi cùng xe nhưng cả hai sau đó chào người dân một cách riêng rẽ và không có sự kết nối, tương tác với nhau.
Lúc đứng trên bậc để chụp ảnh, Công tước xứ Sussex đứng bên trái Thái tử Charles, trong khi William đứng phía bên kia, cách xa em trai.
Theo chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Peter Clayton, cách hành xử của hai hoàng tử Anh tại sự kiện này chứng tỏ mối quan hệ của họ thực sự không hề tốt. Trong khi tại các sự kiện trước kia, William và Harry thường bước đi cùng nhau, quay về phía nhau trò chuyện để đảm bảo rằng họ "luôn cười nói và trông vui vẻ" khi đứng trước ống kính.
"Tuy nhiên, cách xử sự của họ hiện đã khác nhiều so với trước. Nếu không nhìn thấy hai hoàng tử cùng bước từ ôtô ra, chắc bạn sẽ nghĩ họ đến đây trên hai xe riêng, giống như cách họ đang giữ khoảng cách với nhau. Cả hai không hề cố gắng nhìn nhau lấy một lần và dường như định tiếp tục giữ khoảng cách đó", ông Clayton nói.
"Tất cả biểu hiện đó cho thấy những chuyện đã xảy ra giữa hai người là một sự rạn nứt, bất hòa nghiêm trọng", Clayton, một huấn luyện viên về giao tiếp ở Aziz Corporate, nói.
Từng là hình mẫu lý tưởng của nhiều cô gái, hai anh em hoàng tử William và Harry vốn được biết đến là những người thân thiết với nhau. Tình anh em của họ càng bền chặt hơn sau cái chết của mẹ đẻ, cố công nương Diana. Thế nhưng mọi chuyện thay đổi kể từ khi Harry cưới Megan. Mối quan hệ không tốt đẹp của Megan với chị dâu của mình đã đẩy quan hệ của hai anh em ngày càng xa hơn.
Trong cuộc sống đầy rẫy những điển hình của việc anh em bất đoàn kết khi xuất hiện chị em dâu trong nhà. Theo các chuyên gia tâm lý, để mối quan hệ trong gia đình hài hòa, có hai nguyên tắc sau mà chị em dâu nào cũng nên học tập.
Tránh “chung đụng”
Nhiều người nghĩ chị em bạn dâu là những người cùng hoàn cảnh, như vậy sẽ dễ gần gũi, cảm thông, yêu thương nhau chứ! Nhưng sự thật không phải vậy. Hai người phụ nữ xa lạ tự dưng về chung sống trong một gia đình, họ rất dễ “kèn cựa” nhau khi thấy người này người kia được yêu thương nhiều hơn, ít phải làm việc nhà hơn, được khen ngợi hơn…
Mẹ chồng mua cho cô con dâu này cái bánh mà không mua cho cô con dâu kia cũng đã thành đề tài dễ bị “ghim” trong lòng. Cô con dâu này đi làm về muộn trong khi cô con dâu kia phải lo liệu việc rửa chén, nấu cơm, thế là lập tức thành… lớn chuyện. Biết điều này vốn là khó tránh ở phụ nữ thì tốt nhất bạn nên hạn chế.
Mức độ hạn chế dễ thực hiện nhất và tốt nhất chính là tránh chung đụng dưới một mái nhà. Khi lập gia đình, trừ khi có hoàn cảnh quá ngặt nghèo không thể khác, còn lại bạn nên chủ động với việc xin sớm ra riêng. Ở riêng, tình cảm thấy vậy mà lại dễ bền chặt hơn. Bạn không phải ghim vào lòng từng thứ tủn mủn rồi đâm tủi thân, suy nghĩ lung tung, dẫn đến gây nên nhiều căng thẳng không đáng có.
Không để lòng ghen chiến thắng, không đẩy hiềm khích đi xa
Là con cái, có đóng góp cha mẹ bao nhiêu cũng không thể lấy làm đủ, với nhà chồng, chị em dâu không nên tính toán quá chi li; nếu đóng góp nhiều hơn người khác thì nên thấy thế làm vui chứ đừng cảm thấy mình bị thiệt thòi. Chị em dâu cũng đừng nên lấy bụng dạ hẹp hòi, ganh ghét mà đối xử với nhau như tình huống sau đây: thấy một người tỏ ra hiếu kính với cha mẹ chồng, những người còn lại xúm vào bới móc, mỉa mai, khiến người kia phát sợ, cuối cùng không dám thể hiện lòng hiếu kính nữa. Ngược lại, nếu có ai thuận thảo hiếu kính hơn, những người khác nên lấy đó làm gương để noi theo.