Bóng đá Việt Nam và triết lý Park Hang-seo
Âm nhạc - Giải trí - Ngày đăng : 13:23, 13/04/2019
HLV Park Hang-seo không chỉ mang đến thành công hơn 1 năm qua mà còn định hình một triết lý cho bóng đá Việt Nam.
HLV Park Hang-seo đang thành công với triết lý của mình. Ảnh: H.A
Năm 1995 đánh một dấu mốc mới cho bóng đá Việt Nam khi có thầy ngoại đầu tiên là HLV Edson Tavares. Kể từ đó đến nay, chúng ta đã trải qua gần 10 đời thầy ngoại khác nhau. Mỗi thầy ngoại đến từ những nền bóng đá khác nhau khi đến đều mang theo một phong cách huấn luyện riêng áp dụng vào đội tuyển quốc gia và U23.
Thế nên, bóng đá Việt Nam xảy ra tình trạng không định hình được một lối chơi cụ thể mang phong cách của riêng mình. Điều này khiến cho lối chơi của đội tuyển luôn mới qua nhiều đời thầy ngoại. Thậm chí, các cầu thủ ở tuyến trẻ và câu lạc bộ chơi một kiểu, nhưng khi lên tuyển lại thi đấu với một phong cách khác. Thế nên, nhiều tài năng có thể chơi tốt ở các giải chuyên nghiệp quốc gia, các giải trẻ nhưng lại không có được thành công khi được lên đội tuyển quốc gia.
Bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Calisto từng thành công với chức vô địch AFF Cup 2008 với trường phái Latin, đá bóng ngắn, phối hợp phạm vi hẹp. Thế nhưng, đến thời HLV Miura, chúng ta lại được áp dụng lối chơi bóng dài, bóng bổng thiên về sức mạnh, thể lực khiến lối chơi kỹ thuật vốn được xem là sở trường của cầu thủ Việt bị triệt tiêu.
Các cầu thủ Việt Nam đã phát huy được sở trường dưới thời Park Hang-seo. Ảnh: H.A
Bây giờ, đến thời HLV Park Hang-seo, chúng ta đã được quay về lối chơi sở trường. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức HLV trưởng ĐTQG, ông Park đã tuyến bố rằng sẽ hướng tới một lối chơi bóng ngắn. Lý thuyết cơ bản của ông đưa ra là lối chơi kiểm soát, chuyền bóng ngắn và nhanh. Và ông đã nhận định rằng: "Tôi thấy đội tuyển có thể áp dụng lý thuyết mà tôi mong muốn là chơi bóng ngắn và nhanh. Đó là lối chơi tiêu chuẩn của nhiều nền bóng đá Châu Á”.
Bây giờ, sau hơn 1 năm gặt hái được những thành công cùng bóng đá Việt Nam, có thể thấy triết lý bóng đá mà ông Park đã xây dựng rất phù hợp với ĐTQG và U23. Đó là lối chơi mà ông Park cũng hy vọng những người kế nhiệm mình sau này cũng sẽ áp dụng.
Điều này sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam hình thành được một lối chơi mang phong cách đặc trưng, và mỗi huấn luyện viên khi tiếp quản cũng sẽ phát huy được thế mạnh này.
Điều này sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam hình thành được một lối chơi mang phong cách đặc trưng, và mỗi huấn luyện viên khi tiếp quản cũng sẽ phát huy được thế mạnh này.
Mới đây, trong đợt tập trung của ĐT U18 Việt Nam chuẩn bị cho các giải đấu khu vực và châu lục, HLV Hoàng Anh Tuấn đã nói rằng: "Các cầu thủ lứa U18 vẫn trong quá trình đào tạo. Vì thế, tôi cùng ban huấn luyện sẽ cho các em thử sức với nhiều cách chơi, sơ đồ chiến thuật khác nhau. Tuy vậy, cách chơi của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam đang áp dụng vẫn là chủ đạo, và ban huấn luyện sẽ dựa trên lối chơi đó để định hướng cho các em.
Mọi người đều biết 2 đội tuyển lớn đang thành công với lối chơi phối hợp kỹ thuật và triển khai bóng nhanh. Chiến thuật đó hợp lý, và U18 Việt Nam sẽ đi theo con đường này. Chúng tôi hy vọng từ đó các cầu thủ có sự chuẩn bị tốt và có thể thi đấu cho U23 Việt Nam cũng như đội tuyển quốc gia sau này".
HLV Hoàng Anh Tuấn đang xây dựng lối chơi của U18 theo triết lý Park Hang-seo. Ảnh: VFF
Đây được xem là tính kế thừa cần thiết để khi các cầu thủ trẻ được đôn lên U23 và ĐTQG cũng đã quen với triết lý Park Hang-seo.
Bóng đá Thái Lan cũng từng thành công với triết lý xây dựng một lối chơi riêng, mang bản sắc của mình. Điều này được xây dựng từ chính hệ thống đào tạo trẻ và các giải quốc nội. Thế nen giai đoạn 2014-2016, Thái Lan đã trở thành "Vua" của Đông Nam Á khi có 2 chức vô địch AFF Cup và 2 lần giành huy chương vàng SEA Games.
Khi bóng đá Việt Nam được xây dựng dựa trên triết lý Park Hang-seo, chúng ta cũng có quyền tự tin là số 1 Đông Nam Á như HLV người Hàn Quốc đã trả lời trên AFC.