Cần phát huy thế mạnh du lịch
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 14:40, 13/04/2019
Ở bất kỳ tỉnh nào trên khắp nước Việt Nam thân yêu cũng đều có danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch. Tạo hóa rất công bằng khi phân bố các danh thắng đồng đều.
Chợ nổi Cái Răng - một điểm đến đầy hấp dẫn ở Cần Thơ.
Lấy ví dụ, ở tỉnh Đồng Tháp, nổi tiếng về vườn quốc gia Tràm Chim (được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới) nhưng dường như khu du lịch chưa làm nổi bật vẻ đẹp hoang dã nơi đây. Nhà trưng bày trứng chim và cá nước ngọt được thiết kế như một chiếc nón tai bèo cách điệu rất thú vị nhưng bên trong còn quá nhỏ và đơn điệu so với danh xưng là “vườn quốc gia”. Thêm vào đó, công ty du lịch đã không làm tròn sứ mệnh quảng bá du lịch vùng miền cho khách tham quan mà làm ăn theo kiểu chụp giật. Khách đến đây chỉ muốn ngắm nhìn chim, cò, nhất là sếu đầu đỏ, nhưng lại cho tham quan vào trưa nắng chang chang thì có thấy gì ngoài tràm, lác. Thành ra, bỏ tiền đến đây để cho biết vườn quốc gia nhưng chẳng thu hoạch được chút vẻ đẹp gì thì quá lãng phí. Hay ở Tây Ninh, núi Bà Đen là địa chỉ rất nổi tiếng với khách hành hương nhưng lại không có tuyến xe buýt chính thức nào từ bến xe Tây Ninh (hay lân cận) đến đó. Khách hành hương đi tự túc phải thuê xe ôm, taxi, hoặc đi xe buýt chỉ được một đoạn ngang qua. Một địa danh có đẹp, có mê hồn cỡ nào mà địa phương không tạo điều kiện cho du khách tiếp cận dễ dàng thì khó mà phát triển được.
Mới đây, thành phố Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư 54 dự án trên các lĩnh vực bất động sản, văn hóa, thể thao, du lịch, khu công nghiệp, logistics, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, y tế, công nghệ thông tin. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án này gần 124.000 tỷ đồng (tương đương 5,443 tỷ USD). Trong đó, dự án cáp treo du lịch Cồn Sơn - Cồn Khương có vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng nhằm khai thác tiềm năng du lịch của Cồn Sơn, Cồn Khương, tạo điểm nhấn vui chơi giải trí cao cấp kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng đặc thù sông nước có tầm cỡ của khu vực miền Tây. Theo cá nhân tôi, điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ nói riêng và Tây Nam bộ nói chung là sinh thái sông nước, nếu xây cáp treo thì sẽ mất đi cái “đặc thù” vốn có. Miền Tây sẽ rập khuôn như những nơi có bãi biển, có núi non hùng vĩ (nhưng sao sánh bằng) là cáp treo, chứ không có điểm nhấn riêng. Điều mà du khách tìm đến miền Tây là muốn được đi xuồng trên sông tham quan vườn cây ăn trái, ngắm chợ nổi, xem người dân sinh hoạt hai bên bến lở, bến bồi... Nếu tham quan bằng cáp treo thì làm sao chiêm ngưỡng trọn vẹn được những vẻ đẹp mộc mạc, độc đáo ấy. Vì thế, việc xây dựng cáp treo du lịch có thể phá vỡ không gian yên bình của miền Tây sông nước, khó mà hiệu quả.
Vì vậy, để ngành du lịch phát triển mạnh thì cơ quan chức năng địa phương cần phải biết, nắm rõ thế mạnh du lịch của tỉnh nhà là gì để phát huy, cũng như xóa bỏ những hạn chế đang tồn tại. Mở lối đi riêng cho ngành du lịch địa phương mới mong thu hút khách cũng như quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp du lịch Việt cho thế giới biết đến. Dù thiếu sót một vài chi tiết nhỏ cũng cần phải chấn chỉnh để danh thắng có vẻ đẹp trọn vẹn. Một khi du lịch phát triển mạnh thì kinh tế địa phương nâng tầm, đất nước giàu mạnh.