Về Tân Hội xem hát chèo tàu
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 18:05, 14/04/2019
Xã Tân Hội xưa có tên gọi là Tổng Gối, gồm có 4 thôn là: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long, nay thuộc huyện Đan Phượng ngoại thành Hà Nội. Tổng Gối vốn là vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Hồng, vùng đất này có bề dày truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Biểu diễn hát chèo tàu tại phố đi bộ hồ Gươm.
Tương truyền lăng Văn Sơn là lăng mộ của Tướng quân Văn Dĩ Thành, người được tôn vinh là "Nguyên súy Hắc y nhất bộ". Ông vốn gốc quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cha mẹ ông di chuyển đến sinh sống và làm nghề mộc ở Tổng Gối, nên ông được sinh ra và lớn lên ở đây. Là người có chí khí, văn võ song toàn, ông chính là người soạn thảo ra những đầu sách với mục đích rèn dạy quân sĩ, khơi gợi tình yêu quê hương và lòng dũng cảm đứng lên bảo vệ giang sơn. Trong những năm đầu thế kỷ thứ XV, Văn Dĩ Thành đã cùng Lê Ngộ nổi dậy khởi nghĩa phò vua Trần Trùng Quang đánh giặc Minh xâm lược. Ông lấy Tổng Gối làm căn cứ, đóng đại bản doanh ở gò Đống Đám ngay giữa cánh đồng Dinh của làng Thượng Hội. Ông cùng quân sĩ thường dùng sắc phục màu đen nên được gọi là "Quân Hắc y" hay "Khởi nghĩa Hắc y". Sau khi ông mất, để ghi nhớ công ơn của ông, người dân Tổng Gối đã tôn ông làm Thành hoàng làng và xây lăng, dựng miếu Voi Phục để làm nơi thờ phụng. Miếu Voi Phục hiện còn lưu giữ 40 đạo sắc phong, trong đó có các danh hiệu cao quý như: "Nam Thiên Thượng Đẳng Thần", "Anh hùng hào kiệt" hay "Hữu công tối đại"… Tháng 11/1997, lăng Văn Sơn và miếu Voi Phục đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Để tưởng nhớ công lao, công tích của vị tướng Văn Dĩ Thành, người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo có một không hai và chỉ có ở Tân Hội là diễn xướng hát chèo tàu còn có tên là hát tàu tượng. Đây là một trong những nét văn hoá độc đáo của xứ Đoài và đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Điệu hát chèo tàu là một nghi lễ diễn xướng dân gian, nên nó không giống với bất cứ làn điệu dân ca nào, mà còn độc đáo ở chỗ là chỉ có nữ hát. Các làn điệu hát diễn xướng đều theo tích chèo thuyền chở quân đi đánh giặc. Nội dung của các bài hát đều kể lại những công tích đánh giặc của tướng quân Văn Dĩ Thành.
Lễ hội hát chèo tàu được tổ chức trên cạn, trên cánh đồng làng Thượng Hội, gần lăng Văn Sơn. Cứ 25 năm tổ chức một lần, lễ hội diễn ra trong vòng một tháng. Hội tổ chức lần đầu tiên vào năm 1683 và gần đây nhất được tổ chức lớn năm 2015. Vào những năm hội lệ, Tân Hội vẫn tổ chức tế lễ và hát chèo tàu từ ngày 13 đến hết ngày 15 tháng Giêng.
Để biểu diễn và diễn xướng hát chèo tàu thì đạo cụ không thể thiếu là hai con voi lớn và hai thuyền rồng được mô phỏng bằng gỗ. Bởi vậy mới có tên là hát tàu tượng (tàu là thuyền, tượng là voi). Trên mỗi thuyền có một bà chúa tàu giỏi múa hát đánh thanh la cầm chịch để giữ nhịp. Hai cái tàu lĩnh xướng và 10 con tàu là các ca nương đó là các em thiếu nữ từ 13 đến 16 tuổi hát họa theo. Hai tàu hát đối nhau, tàu 1 ra lời, tàu 2 hát đối và ngược lại. Đặc thù của chèo tàu là chỉ có nữ hát, nữ đóng giả nam trong các vai diễn như quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu, đây là nét riêng rất độc đáo, như ở làng Triều Khúc trai giả gái trong điệu múa con đĩ đánh bồng.
Chèo tàu thường được hát theo quy trình: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Hát trình được diễn ra sau phần tế lễ của các bậc cao niên trong xã. Phần hát trình gồm: Hát khởi xướng, hát chúc rượu, chúc vua, chúc thánh, chúc tuổi chúa. Hát bỏ bộ thường chỉ là hát một mình hoặc hát đôi, hát hai thuyền đối đáp. Sau phần nghi lễ thì có thể hát ví, hát lý, hát trống quân, hát giao duyên…
Phần hát xô thì thật đặc biệt, người cái tàu lĩnh xướng một câu lục bát thì các con tàu lại hát nhắc lại câu tám chữ mà cái tàu vừa hát xong và hò khoan cùng kết hợp với động tác chèo thuyền của các con tàu.
CLB hát chèo tàu Tân Hội được thành lập cách đây khoảng 20 năm, với mục tiêu khôi phục lại những làn điệu chèo tàu cổ, phục dựng lại lễ hội đã diễn ra cách đây hàng trăm năm. Những người tâm huyết với chèo tàu như ông Yến, ông Nhật, bà Thu, bà Tuyết, bà Thủy là những người trực tiếp truyền dạy cho nhiều lớp con em qua các thế hệ hát chèo tàu để luôn có lớp ca nương kế cận hàng năm. Những người tâm huyết với chèo tàu mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của di sản văn hoá hát chèo tàu ở Tân Hội góp phần gắn kết cộng đồng "4 thôn" cùng tham gia lễ hội, mở rộng không gian biểu diễn, tham gia và giao lưu với các lễ hội của các địa phương khác, các sự kiện của thành phố, hay của quốc gia.
CLB chèo tàu Tân Hội đã được Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội bảo trợ về chuyên môn. Cuối năm 2018, CLB chèo tàu Tân Hội được Sở Văn hoá Du lịch Hà Nội phối hợp Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội tổ chức buổi diễn xướng chèo tàu tại phố đi bộ hồ Gươm. Buổi diễn xướng độc đáo này đã được đông đảo người dân hâm mộ, du khách nước ngoài và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.