Nghệ thuật hướng về cội nguồn
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:10, 15/04/2019
Sau khi diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 13 đến 21-4, Liên hoan nghệ thuật Krossing Over 2019 do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội đang cống hiến cho khán giả Thủ đô những cuộc trình diễn nghệ thuật múa đương đại kết hợp với nhiều hình thức nghệ thuật khác. Với chủ đề “Cội rễ”, sự kiện truyền đi thông điệp hướng về cội nguồn.
Liên hoan nghệ thuật Krossing Over được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2017, do nghệ sĩ Pháp gốc Việt Sébastien Ly khởi xướng. Nghệ sĩ Sébastien Ly (Lý Minh Trí) là một nghệ sĩ múa, biên đạo tài năng, Giám đốc Công ty Kerman chuyên thực hiện dự án biểu diễn múa đương đại, tương tác nghệ thuật, chiếu phim. Với tình yêu và tấm lòng luôn hướng về Việt Nam, nghệ sĩ này quyết định thực hiện Liên hoan nghệ thuật Krossing Over thường niên, nhằm kết nối nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, tạo sân chơi nghệ thuật mới cho khán giả quê nhà.
Năm 2019 là lần đầu tiên Liên hoan nghệ thuật Krossing Over đến với công chúng và những người hoạt động nghệ thuật múa đương đại của Thủ đô. Có 50 nghệ sĩ Pháp và Việt Nam tham gia sáng tạo, trao đổi nghề nghiệp và biểu diễn tác phẩm. Nghệ sĩ Sébastien Ly cho biết, chủ đề liên hoan năm nay là “Cội rễ” - mang ý nghĩa ẩn dụ về tổ tiên, cội nguồn. “Chúng tôi muốn gửi thông điệp về truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn thế hệ đi trước, trân trọng những thành quả mà chúng ta đang hưởng thụ hôm nay, từ đó tìm cách phát triển bản thân, đóng góp cho đất nước”, nghệ sĩ Sébastien Ly chia sẻ.
Các vở diễn tham gia liên hoan năm nay đều lấy cảm hứng từ di sản truyền thống. Đáng chú ý nhất là vở múa hip-hop “The roots - Cội rễ” diễn ra tối 13-4, tại Nhà hát Tuổi trẻ. Đây là tác phẩm được ví như “bản anh hùng ca tuyệt diệu của nghệ thuật hip-hop trong hành trình 30 năm xuất hiện và đi vào đời sống”. Vở diễn được biên đạo bởi nghệ sĩ tài năng Kader Attou - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật múa quốc gia La Rochelle (Pháp), ra mắt công chúng lần đầu năm 2013. Tác phẩm kể về hành trình sôi động và thơ mộng của một cậu bé xuất thân từ một khu phố nghèo, đã nỗ lực tập luyện và trở thành nghệ sĩ hip-hop tài năng. “The roots” có sự kết hợp giữa âm nhạc đường phố, nghệ thuật múa, xiếc, võ thuật và nhảy hip-hop. Đây cũng là vở diễn hiếm hoi đưa nghệ thuật đường phố lên sân khấu lớn, đã lưu diễn thành công tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Âu.
Bên cạnh đó, khán giả còn được thưởng thức tác phẩm “Cánh cửa” - một sự kết hợp giữa biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, nghệ sĩ thị giác Sandrine Llouquet và nghệ sĩ múa Sùng A Lùng. Nghệ sĩ Sébastien Ly giới thiệu tác phẩm “Ngưỡng cửa ký ức” được anh lấy cảm hứng từ chuyến trở về quê hương năm 2016. Sébastien Ly biên đạo và kết hợp với hai nghệ sĩ múa Việt Nam, hai nghệ sĩ múa Pháp thể hiện những động tác hình thể biểu trưng cho sự kết nối thế hệ ngày nay với cha ông, trong đó có một trích đoạn “Truyện Kiều” do bà ngoại nghệ sĩ đọc.
Nghệ sĩ John Huy Trần - vũ công được đào tạo bài bản tại Canada, lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và tham gia nhiều chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa, đem đến khán giả vở diễn “Cây đời”. Tác phẩm thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên thông qua âm nhạc và chuyển động cơ thể.
Ngoài ra, liên hoan còn trình chiếu phim kết hợp với múa, có nhiều cuộc trao đổi nghề nghiệp với các nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật múa Thủ đô ở các chủ đề thú vị như: “Khiêu vũ và ngôn từ”, “Múa truyền thống và đương đại”... Ban tổ chức cũng dành một cuộc thi nhỏ để các nghệ sĩ trẻ thể hiện sáng tạo của mình với chủ đề “Cội rễ”. Những người xuất sắc sẽ được chọn tham gia chính thức tại Liên hoan nghệ thuật Krossing over năm tới.