Chủ động phòng, chống cúm gia cầm
Tin tức - Ngày đăng : 09:10, 17/04/2019
Hiện nay, thành phố Hà Nội chưa xuất hiện cúm gia cầm. Tuy nhiên, để phòng, chống xâm nhiễm, lây lan, ngành Nông nghiệp và người chăn nuôi trên địa bàn thành phố đang chủ động thực hiện các biện pháp cụ thể...
Nhiều nguy cơ phát sinh cúm
Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước với số lượng dao động từ 28 đến 31 triệu con. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm hơn 90% số lượng gia cầm toàn thành phố, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh, lây lan bệnh, dịch. Đặc điểm của phương thức chăn nuôi nông hộ là số lượng đàn nuôi nhỏ, thả rông, tự tìm kiếm thức ăn, chuồng trại đơn giản… Do chăn thả tự do, môi trường chăn nuôi xen kẽ khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh dịch tễ nên gia cầm dễ mắc bệnh, chết nóng, chết rét…
Nhân viên thú y xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh, dịch gia cầm trên địa bàn. |
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội còn có chợ đầu mối Hà Vỹ (thuộc địa bàn xã Lê Lợi, huyện Thường Tín), mỗi ngày tiêu thụ khoảng 40-50 tấn gia cầm sống. Đây là khu vực dễ phát tán bệnh, dịch nếu không kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển, lưu thông gia cầm. Ngoài ra, có khoảng 1.047 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư nên việc truy xuất nguồn gốc gia cầm gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tháng 4 là thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí cao… tạo thuận lợi cho mầm bệnh cúm gia cầm phát triển và lây lan từ vùng này sang vùng khác…
Với các đặc điểm nêu trên, Bộ NN&PTNT xác định, Hà Nội còn 9 vùng có nguy cơ cao phát sinh cúm gia cầm: Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Phú Xuyên; 21 quận, huyện còn lại cũng được xác định có nguy cơ phát sinh cúm gia cầm nhưng ở mức độ thấp hơn.
Thay đổi nhận thức
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời điểm này, đàn gia cầm trên địa bàn thành phố ổn định, không xảy ra dịch, bệnh cúm. Tuy nhiên, để ngăn chặn xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch.
Ba Vì là một trong 9 huyện của thành phố Hà Nội được Bộ NN&PTNT xác định có nguy cơ cao phát sinh cúm gia cầm. Đây là địa bàn có nhiều tuyến đường nối với các tỉnh phía Bắc; nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ… Cụ thể, toàn huyện có tới 20.515 hộ chăn nuôi gia cầm với số lượng hơn 4,7 triệu con gà, trên 112.000 con vịt… Để bảo vệ đàn gia cầm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về cơ chế phát sinh, lây lan và biện pháp phòng, chống cúm gia cầm. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với cơ quan thú y đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nghi mắc bệnh, không bảo đảm an toàn thực phẩm…
Tương tự, huyện Chương Mỹ tổ chức 11 lớp tập huấn hướng dẫn 900 hộ chăn nuôi trên địa bàn các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm; cấp 12.596 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi… Huyện Mỹ Đức chỉ đạo đài truyền thanh các xã, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của cúm gia cầm; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng, chống cúm gia cầm; sử dụng 5.300 lít hóa chất và 30.900kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và môi trường… Các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai… đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hộ chăn nuôi, cơ sở chế biến gia cầm trên địa bàn tăng cường tiêu độc, khử trùng và thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn...
Song song các biện pháp trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tiếp tục duy trì chốt kiểm dịch liên ngành tại chợ Hà Vỹ để tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ phục vụ công tác phòng, chống bệnh, dịch… Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đã ký kết với Chi cục Chăn nuôi và Thú y của 24 tỉnh, thành phố phía Bắc trong công tác phòng, chống bệnh dịch, kiểm dịch, kiểm soát hoạt động giết mổ gia cầm; đồng thời, yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y (đặc biệt là những vùng từng xảy ra cúm gia cầm) tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ chủng vi rút cúm gia cầm lưu hành tại địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng đúng loại vắc xin cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả phòng, chống bệnh, dịch…
“Về lâu dài, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát giết mổ, phân vùng, giám sát, xử lý bệnh, dịch gia cầm; tập trung hướng dẫn các địa phương, hộ chăn nuôi xây dựng chuỗi sản xuất gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn bệnh, dịch nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu...”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm.