Bài 2: Du lịch văn hóa - Du lịch làng nghề: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:55, 18/04/2019
Hà Nội được nhiều trang chuyên về du lịch nổi tiếng trên thế giới bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới nhờ sở hữu hệ thống làng nghề truyền thống, di sản văn hóa, lịch sử đậm đặc và giá trị, nhưng tiềm năng ấy vẫn còn bỏ ngỏ. Để không bỏ lỡ thời cơ góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, nguồn tài nguyên ấy rất cần được khai thác một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Công nghiệp văn hóa - Nền tảng thành phố sáng tạo
Còn nhiều việc phải làm
Cuộc họp mới đây tại UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) giữa Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm và nhân dân Bát Tràng diễn ra khá sôi nổi với nội dung xoay quanh câu chuyện phát triển hệ thống du lịch thông minh cũng như tập hợp danh sách cửa hàng mua sắm và cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Sáu mươi năm gắn bó với nghề gốm, chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề, ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng cho rằng, đây là giai đoạn phát triển tốt của làng nghề. Nhiều hộ làm nghề được tiếp cận cách làm du lịch, để mang đến những trải nghiệm phong phú hơn cho du khách. Từ đó, khách đến làng gốm đông hơn, nhất là dịp cuối tuần, lễ, Tết.
Du khách học làm gốm tại Làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Sơn Hà |
Còn ở làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), cũng đã có những động thái để biến nơi đây trở thành làng văn hóa, làng nghề du lịch tiêu biểu, trong đó làng lụa là một trong rất ít nơi có hẳn một khu trải nghiệm đầy đủ các công đoạn cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện.
Tuy nhiên, làng lụa vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng kỳ vọng. Tác giả bài viết này đã từng chứng kiến hai du khách nước ngoài khi qua vườn dâu, họ không hề quan tâm. Đơn giản vì ở đó không có chỉ dẫn, giới thiệu cây dâu có vai trò thế nào trong công đoạn làm ra sản phẩm lụa. Nếu áp dụng công nghệ để tái hiện các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm đến dệt lụa bằng hình ảnh động, có thuyết minh tự động, thì sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về cái hay, cái độc đáo của làng lụa Vạn Phúc. Qua đó nhất định sẽ tạo thêm cho du lịch sức hút mới.
Tại Di tích đặc biệt Cổ Loa, cũng chưa có phần mềm thuyết minh tự động. Bởi vậy, Cổ Loa không thu hút được nhiều du khách nước ngoài. Gần đây, di tích có mở thêm dịch vụ trải nghiệm cho khách tham quan, nhưng nhu cầu nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tiếp đón, quảng bá vẫn còn đó. Chị Nguyễn Thị Thủy, phụ trách mảng chuyên môn, nghiệp vụ của di tích cho biết, trong thời gian tới sẽ xây dựng trang web riêng để quảng bá di tích rộng rãi hơn.
Hà Nội sở hữu nhiều di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, làng nghề truyền thống nhất cả nước. Trong khoảng 1.350 làng nghề tại Hà Nội, có tới gần 250 làng nghề truyền thống, đủ để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Song, quan trọng nhất vẫn là các nơi này phải được đầu tư từ hạ tầng đến nhân lực.
Ông Emmanuel Cerise - đại diện vùng Ile de France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Hà Nội đã khảo sát nhiều di tích văn hóa, làng nghề ở Hà Nội và thường đề cập đến việc địa phương phải chú trọng tới các dịch vụ để khách trải nghiệm. Trong khi đó, đại diện Công ty Lữ hành Hanoitourist khi khảo sát các bảo tàng ở Hà Nội cũng đề cập đến việc thiếu khu trải nghiệm và nhân lực yếu về ngoại ngữ.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Lãnh đạo địa phương và người dân đang mong mỏi quy hoạch chi tiết 1/500 của Bát Tràng được phê duyệt, qua đó đẩy nhanh tiến độ nhiều đầu việc quan trọng phục vụ du lịch. Bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cho rằng, đã đến lúc phải đẩy nhanh các hoạt động phục vụ du lịch ở Bát Tràng, nhất là khi nhân dân ở đây đã sẵn sàng với hướng đi này. Lợi thế của Bát Tràng càng được nhân lên với tiếng thơm về đất nghề gốm cùng nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào từ 9 di tích lịch sử, văn hóa, 2 di tích cách mạng kháng chiến có dấu tích gắn với Bác Hồ và khu làng cổ rộng 5,2ha với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây bằng gạch Bát Tràng cổ…
Làng lụa Vạn Phúc cũng đang mong muốn phương án quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch được thực hiện. Khi phương án được triển khai trên thực tế sẽ mang đến một diện mạo mới cho nơi đây, xứng đáng là điểm du lịch hấp dẫn khi có nguồn tài nguyên phong phú và có di tích là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Theo ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư để làng lụa Vạn Phúc trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Thế nhưng, kinh phí đáp ứng cho yêu cầu này là vấn đề lớn.
Còn ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã có kế hoạch mỗi địa phương lựa chọn phát triển từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc thù, trên cơ sở các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, danh lam, thắng cảnh nổi trội của các quận, huyện, thị xã. Song, đến nay, mới có khoảng 10 quận, huyện hình thành được các sản phẩm du lịch mới trên địa bàn.
Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội đầu năm 2019 cho thấy, khách nước ngoài chỉ chi trung bình 113,5 USD/ngày, trong đó có khoảng 35 USD dành cho mua sắm khi ở Hà Nội. So với các thủ đô khác trong khu vực Đông Nam Á, mức này là quá thấp. Chính vì vậy, thúc đẩy, hoàn thiện nhanh chóng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực mới có thể giúp du lịch văn hóa, làng nghề ở Hà Nội chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tăng mức chi bình quân của khách du lịch đến Hà Nội.
Một trong các giải pháp khác được đặt ra là tại các di tích văn hóa, làng nghề cần đa dạng hóa các hoạt động, trong đó chú trọng đến trình diễn các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống để thu hút du khách. Điều này sẽ tác động mạnh đến hình ảnh của các di tích văn hóa, làng nghề.
(Còn nữa)...