Không phải chuyện cổ tích

Tin tức - Ngày đăng : 16:15, 20/04/2019

Vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không cho Thương có được cơ thể lành lặn như bao người khác. Nhưng cô gái Phú Xuyên (Hà Nội) đã làm nên điều kỳ diệu: cô đã viết nên cuộc đời mình bằng đôi bàn tay với một nghị lực phi thường.
Không phải chuyện cổ tích
Chị Nguyễn Thị Thu Thương.
Nguyễn Thị Thu Thương sinh ra và lớn lên ở thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội, là con thứ hai trong một gia đình có 4 anh chị em, bố là công nhân tại một công ty xây dựng tại Hà Nội, mẹ làm nông nghiệp thuần túy kiêm thợ may. Bị mắc căn bệnh xương thủy tinh, không cam chịu, cô âm thầm vượt qua sự run rủi của cuộc đời.

Tuổi thơ tật bệnh

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến thôn Nam Phú để gặp người con gái như thế. Vừa vào đến nơi đã thấy Thương nằm trên chiếc giường nhỏ giữa bốn bề là hàng thủ công đẹp mắt. Thương sinh ra đã không được bình thường, đầu to, chân ngắn, mắt xanh, tròn như quả bí ngô. Thấy lạ hàng xóm kéo nhau đến xem, ai nấy ngỡ ngàng trước một cô bé tí hon, vừa thường vừa xót xa cho số phận của cô bé khi mới chào đời đã mang trọng bệnh trong mình. “Tôi khóc âm khóc thầm mấy tháng ròng, nhưng chẳng biết phải làm sao, chỉ thương cho cái số phận, sao ông trời lỡ gieo oan nghiệt lên đầu cháu”, bà Viên (mẹ Thương) nghẹn ngào tâm sự.

Bồng bế đứa con trên tay mà người mẹ như đứt từng khúc ruột. Gia đình chạy đôn chạy đáo đưa Thương đi chữa ở cả ba bệnh viên Thanh Nhàn, Việt Đức, Nhi Thụy Điển. Đi đến đâu các bác sĩ cũng lắc đầu ngao ngán, bệnh viện cũng “bó tay” trả về vì ngày đó chưa có phương pháp hay loại thuốc đặc trị nào có thể chữa nổi căn bệnh này. Ẵm con về quê nhà, người mẹ suốt ngày đi đi lại lại trong nhà để bồng bế con, chẳng làm nổi việc gì. Công việc nhà cửa, đồng áng đều nhờ cả vào anh em, hàng xóm. Bố Thương lại là công nhân điện lực, cả nhà trông chờ vào đồng lương ít ỏi nên cuộc sống bấp bênh muôn phần. 

Không ít lần, thấy con gái nhà hàng xóm đến độ tuổi như Thương ngày càng khôn lớn, bà Viên thấy tủi cho số phận. Suốt đằng đẵng 3 năm trời, Thương phải “làm bạn” với căn bệnh quái ác kia. Mặc dù được chăm nom cẩn thận nhưng không ít lần cô bé đáng thương lại bị căn bệnh ấy hành hạ. Vết thương cũ chưa lành thì vết thương mới lại tái phát, những chỗ xương bị gãy khiến Thương liên tục đau đớn. Dẫu bước sáng tuổi thứ 5 nhưng thân hình Thương chỉ lớn bằng quả bí ngô nhỏ, cái đầu chỉ nhỉnh hơn phần thân một chút. Đôi tay ngắn tũn, bé tẹo, đôi chân mềm nhũn, không có khả năng đi đứng được. Hầu hết mọi sinh hoạt của Thương đều phụ thuộc vào mọi người trong gia đình. Thấy con nhà hàng xóm cắp sách đến trường, nghĩ bụng, bà Viên không quản nhọc nhằn cất công ngược xuôi lên nhà trường xin cho Thương vào học. Người mẹ và chị gái, ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn thay phiên nhau cõng Thương đến trường chỉ với hy vọng Thương có thể biết được mặt con chữ.

Ngày đó, trong lớp học có một cô học trò nhỏ nằm học, ở ngoài cũng có một người làm nhiệm vụ “canh gác” để Thương có thể được an toàn. Đôi tay run run phải khó khăn lắm em mới nâng nổi cây bút và viết nguệch ngoạc được vài nét, những con chữ đủ các hình thù, lúc như giun bò, lúc như gà bới. Tay yếu, Thương phải dùng miệng ngậm bút để tập viết. Hai năm vèo trôi qua, Thương đã đọc thông và viết thạo. Nghĩ đến gia cảnh, cô bé Thương đành gác lại chuyện học hành suốt đời.

Không phải chuyện cổ tích
Lớp học nghề Thương Thương.

Đến hành trình 
thuongthuong.net

Bấy giờ, năm 1995, cả gia đình rời vùng quê chiêm trũng xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ) lên phố Lương Định Của (quận Đống Đa, Hà Nội) định cư. Cuộc sống quá neo nghèo, mọi chi phí thuốc thang chạy chữa cho người con đều nhờ cả vào đồng lương ít ỏi do bố cô kiếm được. Mẹ Thương ngày ngày chạy chợ lo ăn từng bữa. 
Thế rồi năm 2005, một ý nghĩ táo bạo chợt lóe lên trong đầu Thương, phần vì học một cái nghề cho phù hợp với thể tạng cơ thể, phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn. Thương con, nhưng cơ thể con yếu ớt, ăn uống còn khó nhọc chứ nói gì đến việc học nghề? Cố tìm cho con một nghề để học, nhưng bà cũng chẳng có hy vọng nào ở con. Thương kể: Năm ấy mẹ chở đến Trung tâm “Vì ngày mai” ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Ở đây, lần đầu tiên Thương được học nghề với các công việc phù hợp là làm những chiếc lọ hoa, đèn bàn bằng khuy áo, đan những túi đựng điện thoại, những chiếc khăn bằng len.

Càng ngày Thương càng say mê thích thú. Suốt ngày Thương giam mình trong phòng, hí hoáy với những cuộn len to hơn cả cánh tay mình. Càng làm, đôi bàn tay nhỏ bé của cô ngày càng khéo léo. Chỉ với 5 tháng học nghề, Thương có thể tự tay hoàn thành những sản phẩm theo ý muốn. Những sản phẩm đầu tay  tuy chưa hoàn thiện nhưng trong đó tràn đầy niềm tin và ý chí. Kể từ ngày học được nghề, Thương lạc quan hơn. Cả ngày Thương chẳng đi đâu, chỉ làm bạn với những cuộn chỉ, vải vóc, kéo và giấy. Công việc chưa xong em nỗ lực làm cho bằng được. Nhiều đêm em thức trắng làm việc, dù bố mẹ can ngăn.

Thương bảo những sản phẩm ban đầu chỉ để trang trí trong nhà, nhất là căn phòng riêng do chính chủ nhân làm ra nó. Thương lại tự mày mò làm những sản phẩm bằng giấy như thiệp, làm tranh từ giấy đẹp mắt và lạ lẫm. Khi có người thân đến chơi, Thương tặng họ một sản phẩm làm quà. Dần dần, không ngờ những sản phẩm đẹp và lạ mắt, nhiều sản phẩm mang một ý tưởng độc đáo ấy lại cuốn hút nhiều người tìm đến để đặt hàng và mua.

Năm 2009, Thương bắt đầu nghĩ đến việc có thể làm những sản phẩm này đem mang bán. Để sản phẩm do mình làm ra được nhiều khách hàng biết đến, dù không học một ngày nào về tin học nhưng Thương đã tự mò mẫm, học hỏi rồi thành lập một trang web có cái tên dễ thương là thuongthuong.net. Thành công đã đến với chị, nhờ trang web này, nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng. Không chỉ có khách trong nước, những bạn hàng, những vị khách châu Âu, châu Á, châu Mỹ cũng tìm đến với chị.

Khi đã có thể tự đứng vững và nuôi sống được bản thân bằng những đồng tiền ít ỏi, Thương còn nghĩ đến những người thân, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Dù gia đình còn nhiều khó khăn song đầu năm 2010, Thương đã làm một việc hết sức ý nghĩa là trích khoản tiền nho nhỏ thu được từ việc bán sản phẩm cho vào quỹ ủng hộ, giúp đỡ, tặng quà cho người kém may mắn hơn mình. 

Dựa trên những gì đang có, Thương quyết chí mở lớp để dạy nghề ngay tại nhà cho những ai có nhu cầu. Từ ngày mở trung tâm dạy nghề, Thương cũng không thể nhớ hết số học viên tìm đến em để được học nghề. Không chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, mà còn cả ở các tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Tuyên Quang… các em cũng tìm đến lớp dạy nghề miễn phí của Thương. Thấy nhiều người khó khăn, Thương còn lo cho các em tiền đi tàu xe về quê. Nhiều người sau khi học nghề đã tự làm và nuôi sống được bản thân mình với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Có người còn mở được cơ sở nhỏ để kinh doanh. Hiện tại căn nhà nhỏ số 13, ngõ 11 Lương Định Của lúc nào cánh cửa cũng rộng mở và đầy ắp những tiếng cười của những học trò “đặc biệt”. Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1994, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, giờ lưng em lúc nào cũng còng gập, đôi tay vừa lướt đều trên chiếc bìa giấy - tâm sự: “Một lần em xem trên kênh VTV2 thấy có phát chương trình nói về “cô giáo” Thương, em vô cùng xúc động. Cảm phục trước tấm lòng vì cộng đồng của chị Thương, em đã xin bố mẹ cho em xuống theo học tại trung tâm dạy nghề này. Giờ đây em có thể tự kiếm sống, không còn sống phụ thuộc vào bố mẹ nữa”.

Đã từ lâu trung tâm đào tạo và dạy nghề của Thương đã trở thành “mái nhà chung” của hàng trăm số phận không may mắn. Mọi người đều coi Thương là chị cả, là cánh chim đầu đàn giúp các em có nghị lực vượt qua bóng tối cuộc đời. Thương giờ chỉ cao 80cm, nặng 20kg, căn bệnh xương thủy tinh lại luôn hành hạ, song như vành trăng khuyết bé bỏng, Thương kiên cường đem cuộc đời mình rọi sáng những phần đời bất hạnh, truyền cho nhau nghị lực và niềm tin tiến về phía trước, chiến thắng số phận, chiến thắng cuộc đời. 

Vũ Minh Phúc