"Nơi ấy là chiến trường": Cuốn nhật ký chân thực, cảm động và ý nghĩa

Truyện - Ngày đăng : 20:08, 21/04/2019

“Nơi ấy là chiến trường” của Phạm Quang Nghị là cuốn nhật ký ghi chép lại những năm tháng đi B của tác giả với nhiều trang viết chân thật, cảm động; chứa đựng giá trị lịch sử vừa được giới thiệu ra mắt Nhân ngày sách Việt Nam (21/4) tại số 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
Tới dự buổi giới thiệu sách có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam…

Tác giả Phạm Quang Nghị cho biết, trong suốt những năm tháng chiến tranh cho tới ngày rời thành phố Sài Gòn ra Bắc, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thật sự không thể cho phép, như hành quân liên miên thâu đêm, giặc cản và bom pháo quá dữ dội; những lúc không có ánh sáng kể cả ánh trăng sao hoặc không có nơi ngồi để viết, còn lại hầu như mỗi ngày tôi đều ghi nhật ký. Lẽ ra, tôi sẽ để cho những trang nhật ký này ngủ yên trong góc tủ hay nằm yên ở đâu đó như nó đã nằm yên suốt gần nửa thế kỷ qua. Song thời gian khiến cho những cuốn sổ ghi chép, những trang nhật ký đã bị hư hại hết sức nặng nề. Vì vậy, cách tốt nhất để lưu giữ lại những ký ức vốn từ lâu đã thành của chung ấy là tôi phải in ra sách.
Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó cũng là cuộc chiến tranh lớn nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người và được đề cập trong nhiều tác phẩm văn học, tài liệu, tư liệu, hồi ký, bình luận, chuyên khảo và hôm nay tôi lại có cơ hội được đọc và chìm đắm trong một tác phẩm như thế “Nơi ấy là chiến trường” của tác giả Phạm Quang Nghị - Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói.


Nhận định về cuốn sách, ông Hồ Quang Lợi - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: "Cuốn sách vừa mang tính xác thực như những tư liệu về một giai đoạn lịch sử oanh liệt của đất nước, vừa tạo nên cảm xúc và ấn tượng của một tác phẩm văn học cho người đọc.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, xúc động: Được ông tặng sách, tôi háo hức đọc đi, đọc lại mấy lần mới thẩm thấu chất văn chương, chất người, chất chân, thiện, mỹ trong tác phẩm dày gần năm trăm trang. Phải nói rằng nhật ký chiến trường thì đã xuất hiện nhiều, kể cả phía bên kia. Nổi lên một thời và đã thành phim ảnh là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nhật ký Chu Cẩm Phong”, “Nhật ký Dương Thị Xuân Quý”... Nhưng khi đọc “Nơi ấy là chiến trường” cứ làm tôi rưng rưng: Mỗi trang viết của ông làm tôi sống lại cái thời hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng tác giả Phạm Quang Nghị. 

Từ cái dấu mốc 17/4/1971 đến 6 giờ 30 phút ngày 23/9/1975 - 4 năm ở chiến trường với gần 500 trang viết, gói gọn trong tám chương, tuần tự một cuộc hành trình trong khói lửa bom đạn, trong tấc gang giữa cái sống và cái chết, trong tình cảm yêu thương đùm bọc, che chở hết lòng của nhân dân, cả trong khung trời thơ mộng giữa hai chiến tuyến và có cả tình yêu...

Ông ghi chép tỉ mỉ tên người, tên đất, sự việc, trời mưa hay nắng, khi ở rừng tràm xông mướt, khi ở đồng nước mênh mông... cứ thủng thẳng thật thà, chân chất ghi hết sự việc diễn ra trong ngày. Nhưng cũng có lúc lời văn lấp lánh trong một phóng sự dài đến mấy trang khi ông và đồng đội vượt qua Đồng Tháp, trong cảnh: “Trời mênh mông, đất cũng mênh mông, nhìn ra bốn hướng xa xăm bát ngát, tôi chưa biết hôm nay xuồng sẽ đi theo hướng nào” và cũng thật lãng mạn: “Tôi chăm chú phóng tầm mắt về phía trước, vẫn vệt sao sáng chảy dài theo dòng kênh xông mầu cẩm thạch, xung quanh hoàn toàn vắng lặng...”. Nhưng cũng có lúc thót tim khi ông vượt qua lộ 4 để về R. Một ông già Nam bộ rót ly rượu đưa ông và nói: “Chú em uống ly rượu này để lát nữa qua lộ chạy cho vững chân, mà rủi có chết, cũng chết khi đã được uống rượu của người dân Hữu đạo” (trang 242). Phạm Quang Nghị đã không chết vì có sự cưu mang đùm bọc của người dân Nam bộ, một tình cảm chân thành lớn lao như thế.

Cũng có lúc dòng nhật ký ghi sự việc đau quặn thắt. Đó là vào tối 10-2-1971: “Khoảng 7 giờ 20 phút, Nguyễn Văn Kim đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Kim ơi! Trong mấy ngày qua, tao đã hết sức chăm sóc mày. Tất cả đều mong sao mày mau khỏi, nào ngờ mày đã vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 22...”.

Tôi rất nể phục khi Phạm Quang Nghị mới hơn 22 tuổi mà ông đã có giọng thơ tình rất già dặn gửi cho người yêu trong mơ là cô P. nào đó:

“Giấc mơ đêm qua trong tầm pháo giặc

Anh lại gặp em, mắt nhìn trong mắt

Mà sao em chẳng nói điều chi

Kỷ niệm giận hờn, em hãy quên đi

Giấc mơ huy hoàng thêm kỷ niệm

Cuộc sống vẫn là cuộc sống

Một nửa quê hương còn trong lửa bỏng

Một nửa tình yêu chín mọng, cách xa

Anh nhớ em trong nỗi nhớ quê nhà

Có hương cau, có mẹ già mong đợi

Anh yêu em trong tình yêu vời vợi

Đất nước mình còn phải cách ngăn”. (trang 388)

Đọc kỹ nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” ta thấy quyết tâm dấn thân của chàng trai trẻ Phạm Quang Nghị để thực hiện một lý tưởng cao đẹp. Để thực hiện được lẽ sống cao đẹp ấy, ông phải chiến thắng, phải tự vượt lên chính mình. Tự mình vượt qua những cơn đau ốm, sốt rét có khi cả vài chục ngày. Rồi bom đạn kẻ thù, rồi đói ăn đến mức mấy anh em chia nhau một quả cam rừng nhỏ xíu. Rồi cái lạnh thấu xương giữa rừng trên cánh võng dẫn đến nỗi nhớ mẹ, nhớ quê da diết. Có lẽ bài học đầu tiên tôi nhận ra trong cuốn nhật ký này chính là sự quyết tâm vượt lên, chiến thắng chính bản thân mình.

Tác giả Phạm Quang Nghị phát biểu gửi lời cám ơn tới quý độc giả, gia đình, bạn bè trong ngày ra mắt tác phẩm

Ông viết như để tự răn mình: “Không a dua, không bè phái, không là lãnh tụ của ai, song cũng không bao giờ chịu làm vật lệ thuộc người khác. Sống như thế mới thấy được ta là ta, ta làm chủ hoàn cảnh. Ta đề ra cái đúng để làm, tự động chống lại cái ngây ngô sai trái. Sống vì lẽ phải và lòng chính trực”.

Đó là những triết lý làm người sâu sắc mà Phạm Quang Nghị tâm đắc, đinh ninh trong dạ, làm kim chỉ nam cho ông ngay từ khi còn trẻ.

Ngày 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn, Phạm Quang Nghị và đồng đội vẫn còn mãi trong rừng. Ông vui sướng trong niềm vui bất tận của cả nước. Dòng nhật ký của Phạm Quang Nghị lại nhắc đến Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và tung hô thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngòi bút ấy đã nhìn về lịch sử dân tộc, đất nước, cha ông khi đã chiến thắng hoàn toàn quân xâm lược. Cuộc chiến tranh kết thúc. Những dòng nhật ký cũng dừng lại. Trang cuối cùng của Phạm Quang Nghị đã làm tôi khóc. Tôi khóc vì hình dung một bức tranh “Nước mắt dành cho ngày độc lập” của một họa sĩ nào đó thật ấn tượng. Ông viết “...Hôm nay tôi trở về, trên vai cũng một chiếc ba lô, cũ hơn, bạc màu. Đồ dùng ít và nhẹ hơn rất nhiều, chiếc ba lô đã theo tôi vượt Trường Sơn”.


Bìa cuốn sách Nơi ấy là chiến trường

Nơi ấy là chiến trường - cuốn nhật ký phản ánh hiện thực chiến tranh. Nhưng hiện thực chiến tranh đâu chỉ có bom đạn, sống chết mà quan trọng là tình cảm, tâm trạng, chiều sâu của tư tưởng, của hồn người. Rất tự nhiên, Phạm Quang Nghị đã thực hiện được cả hai yêu cầu ấy một cách sống động, hài hòa, tự nhiên như chính cuộc sống. Vì vậy, chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm mà tôi đọc lại những trang nhật ký của ông vẫn thấy cuốn hút, mới mẻ, cảm động và gần gũi như vừa mới hôm qua - Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Sơn Dương