Đầu tư cho di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội: Tạo động lực để phát triển công nghiệp văn hoá

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 21:16, 06/09/2022

Việc đầu tư cho di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long đã được TP quan tâm từ lâu và đặc biệt khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành. Nhiều dự án bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa được triển khai rõ nét.

Đầu tư để nâng cao vị thế di sản

Trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, Hoàng thành Thăng Long đón hơn 10.000 lượt khách. Điều này cho thấy sức hút của di sản văn hoá thế giới với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Song có thể thấy, di sản Hoàng thành Thăng Long vẫn còn nhiều dư địa để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị.

Du khách xếp hàng tham quan Hoàng thành Thăng Long dịp 2/9. Ảnh: Lại Tấn.
Du khách xếp hàng tham quan Hoàng thành Thăng Long dịp 2/9. Ảnh: Lại Tấn.

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang: Để khai thác và phát huy tối đa nguồn tài nguyên văn hóa và các giá trị văn hóa đặc trưng của Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hà Nội định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là TP kết nối toàn cầu, để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 09, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều nội dung công việc.

Khu vực khai quật tại di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn.
Khu vực khai quật tại di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn.

Trong đó, có việc tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các công trình tại Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội và Khu di tích Cổ Loa đảm bảo phù hợp với quy định của quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa thế giới, nhằm thay đổi diện mạo và nâng cao vị thế của Di sản.

Cụ thể, 5 công trình đã được TP đưa vào danh mục đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long; Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.132 tỷ đồng.

Đồng thời, 3 công trình được TP đưa vào danh mục triển khai thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm: Phục dựng Điện Kính Thiên; Đền thờ Ngô Quyền; Bảo tồn, phục dựng Hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa, với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.161 tỷ đồng.

Song song với đó, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí để kết nối, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa. Việc quảng bá di sản đã được lồng ghép trong chiến lược phát triển du lịch Hà Nội với việc tham gia vào các sự kiện du lịch của Hà Nội.

Tổ chức các sự kiện thường niên (gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thể) tạo thành hoạt động, sự kiện mang thương hiệu để công chúng biết và tham dự như: Lễ Khai xuân dịp Tết Nguyên đán, Tết Việt, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Cổ Loa…

Phát triển kinh tế ban đêm bằng sản phẩm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và các hoạt động phục trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế lưu trú tại Thủ đô.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội” sẽ diễn ra trong ngày 8-9/9 với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu trong nước và quốc tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tour đêm
Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long". Ảnh: Lại Tấn.

Đây là hoạt động kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới (1972-2022), nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới trong công tác nghiên cứu khoa học, khảo cổ học phục vụ quản lý hiệu quả khu di sản đồng thời hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 và tổng hợp kết quả 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long.

Ở góc độ nghiên cứu, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo này bởi di sản Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa đặc biệt với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

“Hội thảo này là dịp để chúng ta nhìn lại xem đã làm được những gì và còn cần phải làm những gì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo cam kết với UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc). Chúng ta bảo tồn di sản không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho cả nhân loại,” ông Trần Đức Cường chia sẻ.

Cùng với Hội thảo quốc tế còn có các hoạt động bên lề như như khai mạc Trưng bày “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long”. Trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”- giới thiệu những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất tìm được trong quá trình khai quật di chỉ từ 2002 đến nay với sự kết hợp của công nghệ trình chiếu 3D mapping. Không gian cổng Đông và lầu lục giá được trang trí cảnh quan, du khách sẽ được trải nghiệm sử dụng công nghệ trường quay ảo hỗn hợp (XR) với các bối cảnh mang nét đặc trưng của Hoàng Thành.

Đến năm 2025, các dự án tại Hoàng thành Thăng Long (Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu;  Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long) và Khu di tích Cổ Loa (Đền thờ Ngô Quyền; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu) được hoàn thành, cùng với việc hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ mang tính đặc thù riêng và 2 di sản văn hóa này nhất định sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội.

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang

kinhtedothi