Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tin tức - Ngày đăng : 09:39, 24/04/2019

Trước diễn biến phức tạp, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi - Đây là yêu cầu được nêu rõ tại hội nghị ứng phó cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và tăng cường quản lý chó nuôi, phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 23-4. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.
Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh: Tiêu độc, khử trùng tại khu vực xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Nam Nguyễn

Vẫn diễn biến phức tạp

Tính đến ngày 23-4, trên địa bàn thành phố, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.525 hộ ở 339 thôn, tổ dân phố ở 141 xã, phường thuộc 22 quận, huyện, buộc phải tiêu hủy 21.307 con lợn. Theo thống kê, từ ngày 19-4 đến 21-4, bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 509 hộ chăn nuôi thuộc 20 quận, huyện. Như vậy, đến nay, 22/24 quận, huyện, thị xã đang phát triển chăn nuôi có lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. 

Trao đổi những khó khăn trong việc ngăn chặn, lây lan của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chia sẻ, huyện Sóc Sơn có tổng đàn lợn đứng thứ 3 thành phố nhưng có tới 60% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do điều kiện chăn nuôi không bảo đảm, đến nay ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Huyện đã buộc phải tiêu hủy 5.157 con lợn mắc bệnh.

Tại huyện Phú Xuyên, đến nay toàn huyện có 17/28 xã, thị trấn có lợn bị mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Nhận định về tình hình này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho rằng, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao, đan xen trong khu dân cư, trong khi hộ chăn nuôi không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh là lý do dễ dẫn đến phát sinh bệnh dịch trên địa bàn.

Phân tích về nguyên nhân khiến bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, bệnh dịch xảy ra là do người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của bệnh dịch. Đáng nói, vẫn có sự chủ quan, bất cẩn của một bộ phận người chăn nuôi như: Sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể cho đàn lợn không qua xử lý nhiệt; điều kiện chuồng trại chăn nuôi không bảo đảm, khu vực chăn nuôi gần khu vực sơ chế, chế biến thức ăn...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong thời gian tới, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến rất phức tạp.

Phòng, chống ngay từ hộ gia đình

Bản đồ phân bố xã có bệnh dịch cho thấy, các huyện chưa xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi đều tiếp giáp với xã có bệnh dịch. Trong khi đó, công tác quản lý kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn gặp nhiều khó khăn. Ở một số nơi, lực lượng tham gia hoạt động xử lý tiêu hủy lợn chưa trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa thực hiện đầy đủ quy trình khử trùng khi ra - vào nơi có bệnh dịch...
Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Cán bộ thú y Hà Nội lấy mẫu kiểm tra nhanh bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại lò mổ Vạn Phúc, Thanh Trì.

Để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống; duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, triển khai Tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn. Đối với lực lượng tham gia tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch, phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ... 

Về trách nhiệm của chính quyền các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, phải có chính sách linh hoạt hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi kịp thời. Các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh tiêu độc, khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao. Đối với các hộ chăn nuôi không chấp hành tốt quy định về chăn nuôi an toàn, phòng, chống bệnh dịch, các địa phương phải kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nghiêm. Về phía người chăn nuôi, cần thay đổi 
tập quán, chuyển sang áp dụng những tiến bộ khoa học hiện đại trong chăn nuôi lợn... 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu các cấp, ngành trên địa bàn thành phố tiếp tục tuyên truyền “5 không”, “4 tại chỗ” và vận động hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi ngay từ hộ gia đình; đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định...

HNM