Bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái

Tin tức - Ngày đăng : 10:08, 24/04/2019

Năm 2019 được chọn là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cả nước có nhiều vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái bị tố giác, phát hiện, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điều đó cho thấy, các bên liên quan cần cộng đồng trách nhiệm hơn để bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt ở những nơi công cộng.
Bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái
Tuyên truyền xây dựng thành phố an toàn để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tại những nơi công cộng, phụ nữ và trẻ em gái thường gặp nhiều nguy cơ, trong đó, quấy rối tình dục là vấn đề đáng lo ngại nhất. Đầu tháng 3 vừa qua, chị P.H.V., sinh viên một trường đại học ở Hà Nội bị đối tượng Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ trong thang máy của chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân). Vụ việc chưa kịp lắng xuống, những ngày đầu tháng 4, dư luận lại bức xúc trước vụ việc bé gái khoảng 7 tuổi bị đối tượng Nguyễn Hữu Linh có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực khi cùng đi thang máy tại chung cư Galaxy 9 (thành phố Hồ Chí Minh). Cùng thời điểm, chị Hồ Thị L., huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đang điều khiển xe máy trên đường, thì bất ngờ bị một đối tượng lạ mặt dùng hung khí khống chế, rồi xâm hại...

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam (Tổ chức quốc tế chống đói nghèo) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hơn 80% trẻ em gái được hỏi đều khẳng định từng bị quấy rối tình dục ở những nơi công cộng. Như cháu Nguyễn V.A., sinh năm 2002, ngõ 190 Kim Mã (quận Ba Đình) cho biết: “Không ít lần cháu bị người khác giới trêu, bình phẩm về hình thức hoặc cố tình động chạm vào những bộ phận nhạy cảm”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết thêm, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Phần lớn vụ việc được phát hiện đều có tính chất nghiêm trọng, trong đó có cả những vụ xảy ra ở nơi công cộng.

Đối với phụ nữ, nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chỉ rõ, khoảng 30% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục; đa số phụ nữ từng bị quấy rối ở nơi công cộng. Chị Trần T.T.H., xã Phú Châu (huyện Ba Vì), đang làm công nhân cho một công ty may mặc, cho hay: “Chúng tôi thường xuyên bị một số đồng nghiệp nam nhận xét là “ngon đấy”... Ban đầu, chúng tôi coi đó là những lời bông đùa. Sau khi tham gia tập huấn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chúng tôi mới hiểu sự trêu đùa này là khiếm nhã, thiếu tôn trọng phụ nữ”.

Cần cộng đồng trách nhiệm
Bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái
Sân chơi an toàn dành cho trẻ em tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Minh Ngọc

Nhằm bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng hơn 1.600 nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Bà Ngô Thị Toàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Văn Quán (quận Hà Đông) đánh giá: “Mạng lưới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng là chốn bình yên của phụ nữ và trẻ em. Đến đây, nạn nhân được hỗ trợ về nhiều mặt, giúp họ sớm ổn định tâm lý, sức khỏe”.

Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, thành phố Hà Nội còn phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện hai dự án "Thành phố an toàn cho trẻ em gái" và "Hành trình an toàn cho phụ nữ tại đô thị". Những dự án này đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hơn 1.000 cán bộ giao thông; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, quấy rối tình dục ở những nơi công cộng cho hàng vạn phụ nữ, trẻ em gái. Các dự án cũng hỗ trợ xây dựng hệ thống sân chơi an toàn tại huyện Đông Anh. “Đến sân chơi an toàn, chúng cháu thỏa sức vui chơi. Tâm lý e ngại, sợ bị bắt cóc, bị xâm hại được giải tỏa”, cháu Hà Đỗ Phương Anh, học sinh lớp 8A, Trường THCS Kim Chung (Đông Anh) hồ hởi chuyện trò.

Tương tự thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác đang triển khai xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”, “Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực”…; đồng thời cung cấp các dịch vụ ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. Ngoài những giải pháp đang triển khai, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng bàn giải pháp tăng cường bảo vệ phụ nữ và trẻ em, trong đó có việc bảo đảm an toàn cho họ ở nơi công cộng. Dự kiến, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho học sinh; phương pháp xử lý tình huống cho giáo viên. Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các cuộc thi sáng tác về đề tài phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, giải trí; xây dựng câu lạc bộ an toàn cho phụ nữ, trẻ em…

Để tăng tính răn đe, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị, các cơ quan chức năng cần xem xét đưa hành vi quấy rối tình dục vào các văn bản quy phạm pháp luật. Thế nào là hành vi “dâm ô” và khung hình phạt về tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” cần được quy định rõ ràng hơn trong Bộ luật Hình sự.

Dưới góc nhìn tâm lý, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con, hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội đúng hướng; đồng thời chú ý xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình từ những điều nhỏ nhất... Qua những dẫn chứng nêu trên có thể nhận thấy, việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng cần sự cộng đồng trách nhiệm của các bên liên quan.

HNM