Hà Nội trong tản văn của Đỗ Phấn
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 10:53, 25/04/2019
Cho đến thời điểm này có thể nói Đỗ Phấn là một trong hai người say mê với Hà Nội nhất trong thể loại tản văn. Nói như thế là vì bên cạnh họa sĩ viết đến hơn 20 tác phẩm về Hà Nội, trong đó gần đây có 4 tản văn, còn có một nhà văn khác số lượng tản văn cũng nhiều là Nguyễn Trương Quý với các tác phẩm Ăn phở rất khó thấy ngon, Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, Còn ai hát về Hà Nội…
Bốn cuốn tản văn của tác giả khi thì chia mục: Ăn, Chơi, Ở (trong Ngồi lê đôi mách với Hà Nội); Nếp cũ nhà xưa, Ẩm thực lưu kí, Đi và nghĩ (Đi chơi bờ hồ…); Quà quê quà phố, Sắc màu chớm đông, Biển trời nhung nhớ (Bâng quơ một thời Hà Nội). Có thể nói khái quát là tác giả đã viết về ba vấn đề lớn ăn, ở, chơi của người Hà Nội. Tất nhiên điều đó chỉ có tính chất tương đối như trong bất kì việc phân loại nào. Và tất cả những gì liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của một thành phố nghìn năm tuổi, một “đô thị đáng sống” đều được tác giả nâng niu, trân trọng làm sống lại trên những trang viết của mình.
Có thể nói không quá rằng tản văn của Đỗ Phấn đã làm nên một bảo tàng sống về Hà Nội một thời bao cấp vất vả thiếu thốn cho đến thời mở cửa phát triển bung ra. Từ một Hà Nội gồm những ngôi làng lớn yên bình, vỉa hè nền đất đầy cỏ xanh, giao thông chủ yếu bằng xe đạp và tàu điện thành một thành phố Hà Nội sôi động với những tòa nhà cao ngất, bạt ngàn xe máy ô tô. Trong cái bảo tàng khổng lồ đó, có thể tìm thấy rất nhiều “hiện vật” mà ngày nay thể hệ 8x hay 9x chỉ có thể nghe kể và đọc trong sách báo, xem trong những tranh ảnh, phim tài liệu. Ví như bia hơi Cổ Tân lấy nắp hầm cá nhân mới đúc chưa khô làm bàn, nước giải khát “si-rô” là món quà ao ước của trẻ con thời đó, món “chè đỗ đen đá” là món ưa thích và phổ biến với mọi người. Rồi thì đào hầm, hố ở thành phố. Những khoanh bê tông làm hầm trở thành khoanh thành giếng thời Hà Nội thiếu nước sạch. Rồi chuyện về loại cá biển cắt ô tem phiếu, chè chén vỉa hè đồng giá 5 xu,…
Hà Nội không ngừng phát triển và thay đổi. Phố chuyển nghề. Mọi thứ cũng thay đổi theo. Có những thứ chỉ còn trong hoài niệm như vòi nước công cộng, chạn bát, kính coong xe đạp phố, “cán bộ cặp lồng”, cà cuống,… một thế giới biến mất (đồ chơi cho trẻ em), và “mai một hào hoa”. Nhưng Hà Nội cũng có thêm những cái mới, những khu nhà cao tầng hiện đại, những siêu thị, những cột đèn cao áp, những công viên… Cái ăn, cái mặc của Thủ đô nghèo khó quần thâm, tem phiếu, mì sợi, bo bo một thời giờ đã lùi sâu vào dĩ vãng.
Theo tôi, Đỗ Phấn luôn say mê vẻ đẹp của Hà Nội - vẻ đẹp ngày xưa và cả những vẻ đẹp bây giờ. Nhưng nhà văn Đỗ Phấn viết về Hà Nội với cả vẻ đẹp và vẻ chưa đẹp của nó, sự sang trọng và sự nhếch nhác của nó. Đó là một Hà Nội nhôm nhoam đan cài cái đẹp, cái xấu, cái văn minh, cái lạc hậu, cái xô bồ, cái điềm đạm. Dù nó thế nào thì Đỗ Phấn vẫn yêu quý, tự hào về nó. Tất nhiên, yêu quý thì sẽ xót xa, sẽ buồn bã khi cái đẹp bị mất đi. Nhưng cũng sẽ vui mừng, phấn khích vì những vẻ đẹp mới của đô thị hiện đại xuất hiện. Đỗ Phấn đã đúng khi viết rằng “Thay đổi vì cần phát triển là việc tất yếu” (Miền đất nhung nhớ). Những tản văn của Đỗ Phấn chính là một bảo tàng lưu giữ những kỉ niệm sống của Hà Nội với những buồn vui một thuở. Đó là giá trị của tác phẩm văn học chân chính.
Đỗ Phấn viết về những gì đã thấy, đã nghe, đã trải nghiệm trong suốt cuộc đời mình từ khi là một cậu bé có trí nhớ cho đến khi thành ra “cánh già” hay hoài niệm. Không những thế, tác giả còn là một người chịu đọc, đọc đủ thứ như trong một trả lời phỏng vấn đã bộc bạch: “Tôi đọc gần như tất cả những gì có chữ quanh mình. Kể cả những tờ hướng dẫn sử dụng thuốc chữ nhỏ li ti”. Có lẽ ông bố làm Tổng biên tập nhà xuất bản Thanh Niên đã cung cấp cho tác giả không ít sách vở. Bởi thế mà trong những bài viết ngăn ngắn, Đỗ Phấn đã có thể làm người đọc thích thú về những hiểu biết “cụ tỉ” của mình. Chẳng hạn nhiều thứ, Đỗ Phấn có thể viết “lược khảo” hoặc không có tên lược khảo thì cũng là “biên niên”, hay hành trình. Ví như Lược khảo về quả cà, Xà phòng biên niên, Chậu thau lược khảo, Hành trình quà vặt… Những món ăn thức uống hay sự vật, đồ dùng cũng đều có nguồn gốc, lịch sử, chẳng hạn Bia hơi vỉa hè, Bún chả Hà Nội, Cà phê giải khát, Chè chén 5 xu, Cầu Long Biên, Chợ Giời, Đèn dầu, Đèn bão,… Có thể bắt gặp những chi tiết lịch sử thú vị, rõ ràng mà có khi không biết có thể tra cứu ở cuốn sách nào. Chẳng hạn, chiếc đồng hồ công cộng có chuông đầu tiên ở Hà Nội ra đời cùng với việc xây dựng Nhà thờ Lớn vào năm 1886 (Chuông đồng hồ). Người Hà Nội chỉ thực sự dùng điện lưới kể từ khi nhà máy điện Yên Phụ do người Pháp xây dựng khánh thành năm 1932 (Cột đèn một thuở). Tìm theo dấu vết khảo cổ thì thấy chiếc đèn dầu có mặt ở Việt Nam từ thời văn hóa Phùng Nguyên hậu kì đồ đá mới (Đèn dầu). Tàu hỏa hơi nước lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam là vào năm 1881 khi người Pháp xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn- Mĩ Tho dài 70 km.[…] Tàu hỏa hơi nước biến mất từ năm 1993 (Tu tu xình xịch). Có thể phỏng đoán chiếc bánh mì đầu tiên có mặt ở Việt Nam vào năm 1533 đời Lê Trang Tông. Nó hẳn là phải được giáo sĩ I-nê-khu (Ignacio?) mang theo khi đến Việt Nam truyền giáo (Bánh mì). Vòi nước công cộng ở Hà Nội phải ra đời sau khi nhà máy nước Yên Phụ đi vào hoạt động năm 1896 (Vòi nước công cộng). Chợ Hàng Bè chính thức giải tán vào năm 2010 khi kỉ niệm 1000 năm Thăng Long (Thịt luộc mắm tép). Internet đến Việt Nam từ quãng hai chục năm trước đây do tay giáo sư đại học người Úc tên là Rob Hurle mang vào (Thời của soi mói),…
Để cho những trang viết của mình thêm sinh động, tác giả đã huy động một số lượng không nhỏ những ca từ, tục ngữ, thành ngữ và đặc biệt là thơ ca từ dân gian cho đến hiện đại của các nhà thơ nổi tiếng. Lời văn của tác giả thanh thoát, giàu nhịp điệu, hình ảnh tự nó đã mang chất thơ. Thêm những câu thơ trích dẫn hợp lúc, hợp cảnh càng làm cho bài viết như một món ăn ngon kèm thêm với gia vị thích hợp càng thêm hấp dẫn. Nhắc đến kem, Đỗ Phấn nhắc bài hát nhại về kem. Nói chuyện “Cối chày tản mạn” thì dẫn ca dao về nhịp chày Yên Thái, dẫn thơ của Nguyễn Bùi Vợi, của Nguyễn Khuyến về việc giã gạo, giã trầu. Kể chuyện “Bữa rựơu nhớ đời” thì nhắc đôi câu thơ của Vũ Hoàng Chương. Viết “Bạn với rác” thì dẫn thơ Nguyễn Khoa Điềm “…Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy/ Mà được gì cho cuộc sống hôm nay?”. Bàn về “Chợ Giời” thì nhắc đến thơ về chợ Trời Hương Tích của Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Khuyến. Viết về “Béo và Gầy” thì dẫn thơ Nguyễn Khuyến “Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng”. Viết “Giấc mộng làng” dẫn thơ Bùi Giáng. “Miền đất nhung nhớ” dẫn ca từ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, thơ của Bùi Thanh Tuấn được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc trong ca khúc “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Viết “Lụa” thì dẫn thơ Nguyên Sa… Có cảm giác người họa sĩ thông thuộc các gam màu cũng chẳng kém gì những tục ngữ, ca dao, ca từ, những bài thơ mà anh đã đọc và thuộc nằm lòng.
Một trong những điều thú vị khi đọc tản văn của Đỗ Phấn ấy là người đọc bắt gặp một người ưa hài hước. Thi thoảng trong không khí nghiêm trang lược khảo, chỉn chu thực chứng, “ăn chơi điềm đạm” vẫn thấp thoáng nụ cười kín đáo, nhẹ nhàng, làm cho trang văn bỗng nhiên tươi tắn, lấp lánh. Ví như khi viết “Tạ ơn rau muống”, tác giả cười mà thấy chí lí “Nếu như có cuộc thi vinh danh một loài rau trên cả nước thì dứt khoát rau muống không có đối thủ. Danh hiệu “Quốc rau” không thể lọt vào tay loài rau Việt nào khác”. Nói về chiếc cầu thang, kể chuyện ngày bé, lũ trẻ thi nhau trèo lên tầng hai, ngồi trên tay vịn tụt xuống chỉ để “thi xem đũng quần đứa nào bục chỉ trước”. Bất ngờ, tác giả liên hệ “Chẳng biết những bậc thang danh vọng hình thù như thế nào nên không bao giờ mơ thấy chúng. Cho nên cũng chẳng sợ bục chỉ đũng quần” (Cầu thang trong mơ). Sự hài hước, tự trào là một nét riêng Đỗ Phấn làm nên cái duyên của những bài viết.
Cũng phải nói thêm là bằng con mắt hội họa của một họa sĩ được đào tạo bài bản, Đỗ Phấn cũng đem lại cho những tản văn của mình những sắc màu riêng. Nhất là khi tác giả viết về hoa, về cây, về màu nắng và cả về việc vẽ như “Vẽ gà – thú chơi bất tận”.
Điều cuối cùng là những tản văn của Đỗ Phấn thường ngắn, gọn và cô đọng. Người đọc như thể đang theo bước chân người viết “đi chơi bờ hồ”. Có thể ngắm tháp Rùa, ngắm cây cối, nghe chim hót. Rồi hứng lên, có thể làm cốc bia hơi vỉa hè, làm suất bún bung, rồi nhâm nhi tách cà phê. Mỏi thì dừng lại. Các phố xá, cửa hàng cửa hiệu Hà Nội được Đỗ Phấn giới thiệu với ta như một hướng dẫn viên du lịch lành nghề và rất am hiểu thắng cảnh cũng như tâm lí du khách. Vì thế mà các cuộc đi chơi, khám phá Hà Nội được Đỗ Phấn dẫn dắt qua những trang tản văn lúc nào cũng thú vị, hấp dẫn!