Chèo 48h - và hành trình đi tìm giá trị nghệ thuật truyền thống của các bạn trẻ

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 11:22, 25/04/2019

Ra đời hàng nghìn năm, theo dòng chảy lịch sử nước Việt, những bộ môn âm nhạc truyền thống cổ xưa chứa đựng những giá trị nghệ thuật quý báu. Thế nhưng trước dòng chảy cuộc sống, sự thịnh hành của các trào lưu âm nhạc mới khiến cho những giá trị bản sắc trong âm nhạc truyền thống dần bị lãng quên. Các dự án của các bạn trẻ bắt đầu đi tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống, trong số đó phải kể đến dự án Chèo 48h của bạn trẻ Đinh Thị Thảo.
Chèo 48h - và hành trình đi tìm giá trị nghệ thuật truyền thống của các bạn trẻ
Đinh Thị Thảo - một trong 5 thành viên đồng sáng lập Chèo 48h
Hành trình đi tìm giá trị nghệ thuật truyền thống

Khác với ông bà ta ngày xưa sinh ra và lớn lên với lý tưởng của cộng đồng, thì ngày nay cuộc sống hiện đại ấm no hơn càng khiến con người ta hướng về bản thân đối diện với thế giới bên trong mình hơn. Trong thời kỳ hội nhập, việc giao lưu văn hóa sao cho chọn lọc hòa nhập mà không hòa tan là điều không phải dễ. Đó cũng chính là điều thôi thúc người bạn trẻ Đinh Thị Thảo và những người bạn của mình sáng lập nên Chèo 48h. Họ là những người trẻ có chung niềm đam mê, tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đinh Thị Thảo chia sẻ: “Chúng mình kết nối với nhau qua cuộc thi “Ý tưởng tôi 20”, rồi cùng chung niềm đam mê, cùng nhau đi tìm sân chơi cho riêng mình. Ban đầu chỉ là ý tưởng về sân chơi văn hóa truyền thống cho các bạn trẻ, sau đó mới phát triển để tạo thành một sân chơi về giáo dục văn hóa truyền thống. Và chúng mình bắt đầu mời các nghệ sĩ, những người có chuyên môn đến để chỉ dạy, những thành viên trong nhóm cũng được mở rộng tới những bạn trẻ quan tâm”.

Dù nhiệt huyết, say mê là vậy, nhưng những bước đầu tiên của nhóm bạn trẻ vẫn có những khó khăn nhất định về khoảng cách địa lý, người trong Nam, người ngoài Bắc, và nhất là hoạt động chuyên môn: “Là những người trẻ không chuyên đến với âm nhạc truyền thống để đảm bảo về mặt chuyên môn và pháp lý, kinh phí cho dự án là điều mà bọn mình  rất trăn trở. Điểm tựa duy nhất lúc bấy giờ của bọn mình là giải Nhất của cuộc thi “Ý tưởng tôi 20”. Sau khi giành giải Nhất, dự án được bảo trợ bởi một số những đơn vị như: Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững (CSDS Việt Nam), Trung tâm nghiên cứu và phát triển âm nhạc truyền thống của chị Mai Tuyết Hoa. Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi nhóm tìm đến nghệ sĩ, đạo diễn Lê Tuấn Cường của Nhà hát chèo Việt Nam và được thầy nhận lời giúp đỡ. Chính thầy cũng là người hướng dẫn cho khóa chèo năm đầu tiên. Ngoài ra vấn đề kinh phí, để duy trì dự án, trong năm đầu tiên khi được giải thưởng “Ý tưởng tôi 20” thì dự án cũng được một nguồn kinh phí từ tổ chức “Ý tưởng tôi 20” hỗ trợ. Cho đến sau này khi  hoạt động độc lập dự án cũng may mắn có sự hỗ trợ từ Quỹ văn hóa sở văn hóa Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, hay những trường học hợp tác đều có sự hỗ trợ về tiền mặt” - Thảo chia sẻ.

Thành quả từ nỗ lực và đam mê

Trải qua những gian nan khởi đầu, song niềm tin và tình yêu của 5 bạn trẻ dành cho giá trị văn hóa truyền thống không hề mất đi. Khi dự án bước sang năm hoạt động thứ hai, đã có nhiều hơn những người yêu thích và quan tâm đến bộ môn nghệ thuật này. Họ tìm đến Chèo 48h  như một sân chơi bổ ích, vừa chơi vừa học, tìm hiểu những giá trị đặc sắc. Không chỉ thế, Chèo 48h còn lan tỏa trong cả trường học. Năm 2017, dự án hợp tác với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình về tới trường học, giúp các bạn sinh viên có cơ hội được tiếp cận gần hơn với nghệ thuật truyền thống. Đêm diễn được tổ chức thành công và đón nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của các bạn sinh viên. Điều đó chứng minh rằng Chèo 48h đã ít nhiều tạo được một sự ảnh hưởng nhất định đối với công chúng nói chung và sinh viên nói riêng.


Chèo 48h - và hành trình đi tìm giá trị nghệ thuật truyền thống của các bạn trẻ
Chèo 48h và các em nhỏ tại đình Hào Nam

Không dừng lại ở lứa tuổi sinh viên, Chèo 48h còn đến với cả các em nhỏ và học sinh các trường tiểu học. Thảo chia sẻ: “Với lứa tuổi 4-5 tuổi và học sinh tiểu học, bọn mình tiếp cận bằng một số hoạt động cho trẻ em như: tổ chức các khóa giới thiệu ngắn về chèo (đã thực hiện được 2 khóa tại 2 trường mầm non); tổ trại hè dưới Hải Phòng cho các bạn từ 7-13 tuổi; và đặc biệt là tổ chức các buổi trải nghiệm về nghệ thuật truyền thống tại đình Hào Nam”. Khi mở rộng về đối tượng tham gia, Chèo 48h đã phát triển thêm những hoạt động gắn với du lịch, tổ chức show diễn có sự kết nối với các tour du lịch.

Sau 5 năm hoạt động kể từ khi được sáng lập (năm 2014), sự thành công của Chèo 48h đã vượt xa sự mong mỏi của ban điều hành dự án. Không chỉ đưa chèo vào lớp học, dự án còn tích cực đưa nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như: hát xẩm, diễn xướng và chầu văn… giúp học viên có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với âm nhạc truyền thống đồng thời tham gia tích cực cho một số hoạt động văn hóa do Thành phố Hà Nội tổ chức. Thành quả cho những nỗ lực đó là những phần thưởng mà dự án đã đạt được: giải Nhất cuộc thi Ý tưởng tôi 20 năm 2014, giải Ba cuộc thi FBAIC của trường Ngoại thương Hà Nội và top 10 khởi nghiệp cùng Kwai năm 2015. Năm 2016, Chèo 48h tham gia Chiếu chèo làng tôi đạt giải Ba tập thể và một thành viên trong nhóm đạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất. 

Đáng chú ý, năm 2019 có một dự án phát triển di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Hy Lạp với sự tham gia của 4 nước là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Brazil và Việt Nam. Tham gia dự án này hoàn toàn tình cờ lại có ba thành viên của Việt Nam cũng đã từng tham gia Chèo 48h. Điều này càng khẳng định giá trị mà Chèo 48h đã đem lại cũng như khẳng định chắc chắn về mong muốn: Trong tương lai, Chèo 48h muốn đưa hoạt động này quảng bá nhiều hơn đến với bạn bè quốc tế.  

Trong bối cảnh, những sân chơi về văn hóa truyền thống rất thưa vắng, Chèo 48h và những bạn trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống đang từng ngày gìn giữ và truyền lửa, truyền sự yêu thích lòng tự hào cho cộng đồng về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Nguyễn Hằng