Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo nên "cột mốc bằng vàng" trong lịch sử dân tộc
Tin tức - Ngày đăng : 17:31, 25/04/2019
Ngày 25-4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực" nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019).
Chủ trì hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; đại biểu các quân khu, quân đoàn, học viện, nhà trường, các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội, các cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Phát biểu đề dẫn, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, 65 năm trước, thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, trên cánh đồng Mường Thanh giữa núi rừng Tây Bắc, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo nên "cột mốc bằng vàng" trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Thắng lợi đó đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do, vì "bình đẳng, bác ái", là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.
Qua 80 tham luận đóng góp cho hội thảo, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được phân tích, luận giải đầy đủ, toàn diện mọi mặt; khẳng định chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng, tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự sáng tạo trong nghệ thuật chọn hướng và thời cơ tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Các tham luận cũng tập trung phân tích quá trình hình thành, phát triển liên minh chiến đấu giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào phản đối chiến tranh của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhiều tham luận khẳng định và làm rõ tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ, sự vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đây là cơ sở để chúng ta đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới.
Hội thảo cũng nhằm nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước.