Trang hồi ký cách mạng hào hùng, bất khuất

Tin tức - Ngày đăng : 11:33, 30/04/2019

Sáng ngày 25/4, Đài kỷ niệm Công an chi viện chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975 được khánh thành tại Học viện An ninh nhân dân. “Việc xây dựng “Đài kỷ niệm Công an chi viện chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975 tại Học viện An ninh nhân dân” có ý nghĩa quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục chính trị trong Công an nhân dân.” - Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy.
Đài kỷ niệm Công an chi viện chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975: Trang hồi ký cách mạng hào hùng, bất khuất
Đài kỷ niệm Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước
 Nhắc nhớ một thời hoa lửa

Đài kỷ niệm Công an chi viện chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975 được đặt trong khuôn viên của Học viện An ninh nhân dân - tiền thân là Trường Công an nhân dân - nơi đã đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ Công an chi viện. Đài kỷ niệm cao 3,3m so với cốt sân hoàn thiện, được xây trên diện tích rộng 7,84m2 với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Toàn bộ phần thân đài kỷ niệm và phần nền đều được ốp đá granit. 

Theo Thiếu tướng Phan Văn Lai - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đài tưởng niệm được lãnh đạo Bộ Công an và Học viện An ninh nhân dân cho xây dựng ngay tại khuôn viên huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ Công an chi viện an ninh miền Nam đã trở thành địa chỉ truyền thống của cán bộ Công an chi viện hàng năm về hội tụ làm lễ mừng ngày chiến thắng miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Đài tưởng niệm được xây dựng có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị như một trang hồi ký sau gần nửa thế kỷ mà các cán bộ công an chi viện cho chiến trường miền Nam đã hy sinh anh dũng; nhắc nhớ và giáo dục các thế hệ sau uống nước nhớ nguồn và tri ân đồng đội vào những dịp lễ, tết hàng năm. “Đài kỷ niệm đã gợi nhớ trong ký ức mỗi chúng tôi về một thời gian lao, ác liệt; về một quá khứ mất mát, đau thương, hào hùng, oanh liệt. Làm sao quên được, nhiều đồng chí, đồng đội chúng tôi đã hiến dâng cả tuổi trẻ thanh xuân của mình cho Tổ quốc…” - Thiếu tướng Phan Văn Lai xúc động nói.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã sớm có tầm nhìn chiến lược và có quyết sách chi viện toàn diện cho an ninh miền Nam: về đường lối, phương châm, chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng; cán bộ, nhà trường; thông tin cơ yếu; phương tiện hoạt động nghiệp vụ; vũ khí đặc chủng; song “chi viện về cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong toàn bộ công tác chi viện an ninh miền Nam của lực lượng công an nhân dân”, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, tăng cường sự lãnh đạo của an ninh các cấp, xây dựng và phát triển lực lượng an ninh tại chỗ, màng lưới điệp báo; bảo vệ an toàn cơ quan đầu não, căn cứ, hành lang và cán bộ lãnh đạo chủ chốt. 

Từ năm 1959 - 1975, Bộ Công an đã chi viện 11.294 cán bộ công an, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao. Vào miền Nam, nhiều cán bộ công an chi viện được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo an ninh các cấp như đồng chí Nguyễn Quang Việt giữ chức Phó Ban an ninh Trung ương Cục miền Nam, các đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), Nguyễn Tài (Tư Trọng), Huỳnh Anh, Thái Doãn Mẫn, Hồ Văn Đại, Nguyễn Hoàng là ủy viên Ban an ninh Trung ương Cục miền Nam…
Nhắc nhớ lại những năm tháng binh lửa này, Thiếu tướng Phan Văn Lai kể, ngày mới vào chiến trường, một mảnh đất xa xôi, mới lạ, nóng bỏng, ác liệt nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù địch sâu sắc, đội ngũ cán bộ công an chi viện đã nhanh chóng hòa nhập với cán bộ an ninh tại chỗ, lăn lộn bám sát phong trào ở cơ sở, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, lập nhiều chiến công. Chẳng thế mà tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, ngày 30/12/1975, đồng chí Cao Đăng Chiếm (Sáu Hoàng) đã phát biểu và ghi nhận: “Một trong những nguyên nhân thắng lợi của lực lượng an ninh miền Nam là sự chi viện toàn diện của lực lượng công an nhân dân, của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an”.

Trong cuộc chiến đấu ấy, 909 cán bộ đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bất khuất và anh dũng hy sinh; 46 cán bộ bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man vẫn giữ vững khí tiết cách mạng; hàng trăm cán bộ bị thương tật, bị nhiễm chất độc da cam, nhiễm các bệnh hiểm nghèo do di chứng của chiến tranh, mất sức lao động, phải nghỉ công tác sớm. Nhưng cũng thật tự hào, nhiều cán bộ Công an chi viện đã được phong và truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: Nguyễn Tài, Nguyễn Đình Bẩy, Lê Tiền, Nguyễn Đức Minh, Phan Văn Lai, Trần Phong, Nguyễn Xuân Giang… (phong tặng); Lê Thanh Vân, Tô Quyền, Huỳnh Anh, Đậu Văn Ngôn, Phan Văn Viêm, Nguyễn Xuân Cần, Nguyễn Viết Cù, Nguyễn Hòa, Trần Kim Chiến, Dương Thanh Việt… (truy tặng).

Bên cạnh đó, từ cuối năm 1961, lãnh đạo Bộ đã giao cho tổ công tác cán bộ miền Nam chịu trách nhiệm chiêu sinh và Trường Công an Trung ương nay là Học viện an ninh nhân dân chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và thể lực. Trải qua 14 năm, (1961 - 1975) đã có 13 đợt, gồm 8038 cán bộ Công an chi viện cho an ninh miền Nam, trong đó có 5261 cán bộ Công an miền Bắc, 2777 cán bộ Công an miền Nam.

Tháng 10 năm 1971, Bộ Công an thành lập trường an ninh miền Nam (bí danh E1171) ở miền Bắc. Trường đã mở 14 lớp gồm 896 cán bộ an ninh miền Nam được đưa ra miền Bắc học tập; mở lớp bồi dưỡng 1943 con, em cán bộ an ninh miền Nam ra miền Bắc học tập văn hóa; mở 9 lớp gồm 672 cán bộ công an miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam và 1012 cán bộ công an miền Bắc phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Trường của Ban an ninh Trung ương Cục miền Nam và trường của Ban an ninh khu V đã đào tạo 70 khóa học với trên 5000 học viên là cán bộ nòng cốt cấp khu, tỉnh, huyện, thị. Ban An ninh các khu, tỉnh thành mở lớp bồi dưỡng cho 15.463 cán bộ an ninh cơ sở.

Tiếp tục tiếp lửa truyền thống

Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện miền Nam đã được thành lập ở Bộ Công an từ năm 1997. Là một tổ chức truyền thống mang đậm dấu ấn lịch sử hết sức vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có tính đặc thù đối tượng chính sách gồm 48 thương binh, 13 người nhiễm chất độc da cam, 14 thân nhân liệt sĩ, 3 người bị địch bắt tù đày. Ban liên lạc là lực lượng nòng cốt trong hệ thống xây dựng lực lượng có nhiệm vụ thực hiện các chương trình giao lưu tiếp lửa truyền thống, tri ân tình đồng đội và thực hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa. 

Phục vụ các cuộc vận động của lãnh đạo Bộ Công an phát động như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”, “Sáu điều Bác Hồ dạy cán bộ, chiến sĩ Công an”, Ban liên lạc đã chủ động tổ chức 16 cuộc giao lưu tiếp lửa truyền thống với hơn 6.000 cán bộ và tuổi trẻ CAND ở 16 tỉnh, thành phố và cơ quan Bộ.

Với chủ đề “Một thời hoa lửa”, “Vang mãi bản hùng ca Tây Đô”, “Những bước chân không mỏi”, “Những chiến công đi vào huyền thoại”, “Thắp lửa truyền thống ấm tình nơi biên cương”…, các địa phương dù xa xôi, cách trở như Côn Đảo, Phú Quốc, Hà Giang… Ban liên lạc đã tổ chức 13 cuộc thăm lại chiến trường xưa và các di tích lịch sử của Nhà nước và ngành công an. Khắc phục mọi khó khăn, Ban liên lạc đã đến tiếp lửa truyền thống với hơn 3000 cán bộ và tuổi trẻ CAND với 17 cuộc giao lưu ở 17 công an tỉnh, thành phố. Nhân chứng giao lưu đều là những cán bộ tiêu biểu trong chiến tranh, dù tuổi cao sức yếu vẫn nhiệt tình tham gia như đồng chí Trầm Đông, Trần Quốc Hương, Thái Doãn Mẫn, Nguyễn Đình Bẩy…
Với hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nguồn, trong mỗi chuyến đi Ban liên lạc đã chuyển quà của lãnh đạo Bộ và thăm hỏi 160 gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam, bị địch bắt tù đày, cán bộ công an lão thành, là cán bộ công an chi viện có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và bệnh nặng. Hoạt động tri ân đồng đội luôn được Ban liên lạc xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, hàng đầu. Mọi hoạt động của Ban liên lạc đều hướng tới: “Tất cả vì đồng đội”, luôn sẻ chia mọi buồn vui, hoạn nạn và lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc và lẽ sống của mình. 

Có thể thấy, sau thời hoa lửa, những cán bộ Công an chi viện luôn là những tấm gương sáng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ an ninh trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thành tích hoạt động của Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện là những việc làm có giá trị cao đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; là nhịp cầu kết nối sự gắn bó tình đồng chí, đồng đội; sự tiếp lửa động viên cổ vũ truyền thống cách mạng với các thế hệ cán bộ chiến sĩ công an nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân, xứng đáng để các thế hệ trẻ trong công an nhân dân ngưỡng mộ, học tập và noi theo.

Hoàng Anh