Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức của người “dũng sĩ Đồi Xanh”

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 12:51, 01/05/2019

Trong số những chiến sĩ tiêu biểu nhất, lập công xuất sắc tại chiến dịch Điện Biên Phủ được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân có Đại tá Đặng Đức Song. Người lính trẻ năm xưa từng xông pha trong lửa đạn chiến tranh nay đã bước qua tuổi bát tuần nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên những ký ức về một thời tuổi trẻ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ  trong ký ức của người “dũng sĩ Đồi Xanh”
17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy địch. (Ảnh tư liệu)

 Đại tá Đặng Đức Song tên thật là Đặng Huy Sang, sinh năm 1934 tại xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Từ một thanh niên sống trong vùng địch, từng tham gia hoạt động du kích, đến năm 1952, ông tình nguyện tham gia nhập ngũ, rồi được phân về Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trở thành anh Vệ quốc đoàn, Đặng Đức Song tham gia chiến đấu giải phóng Tây Bắc lần 1 năm 1952. Ông được chọn làm liên lạc cho đồng chí Hoàng Niệm chỉ huy Tiểu đoàn làm nhiệm vụ đi tiền trạm cho đoàn cán bộ chiến sĩ bổ sung cho Trung đoàn 98 ở Điện Biên Phủ. Ở đây được khoảng 3 tháng, đến tháng 4 năm 1953, Tiểu đoàn ông được phân công sang chiến đấu ở Lào. Cuối năm 1953, ông cùng đồng đội về nước, tham gia chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954). Đại đoàn 316 đã thực hiện thắng lợi đòn tiến công chiến lược đầu tiên trong chiến dịch Đông Xuân, giải phóng Lai Châu. Sau thắng lợi của đòn tiến công chiến lược đầu tiên trong chiến dịch Đông Xuân, đơn vị của ông được lệnh quay trở lại Điện Biên Phủ, giữ chốt khu vực Đồi Xanh cạnh bản Tà Lèng (trên đồi này rất nhiều cây xanh tốt nên gọi là khu Đồi Xanh). 

Chiến dịch Điện Biên Phủ  trong ký ức của người “dũng sĩ Đồi Xanh”
Với Đại tá Đặng Đức Song những năm tháng đã đi qua luôn đọng lại trong ông những ký ức khó quên. Ảnh: Đặng Thủy
Đại tá Đặng Đức Song kể từ ngày 20/11/1953, địch đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Chỉ trong 3 ngày từ 20 đến 22/11/1953, chúng đã đổ 6 tiểu đoàn dù quân xuống đây, khoảng 4500 quân. Khi mới vào phòng ngự ở Đồi Xanh, ông cùng các cán bộ tiểu đội đi xem trận địa. Gần 10 ngày đào hầm, hào, cộng sự ở cao điểm 781 – tên gọi mật khu Đồi Xanh - đơn vị ông đã chốt phòng ngự liên tục ở đây suốt 32 ngày đêm.

“Ngày 5/2/1954, địch đánh từ Đồi Cháy tới chân Đồi Xanh, đơn vị tôi tổ chức đánh địch phản kích buộc chúng phải rút lui. Đến ngày 3/3, địch bắn đại bác liên tiếp lên Đồi Xanh. Tất cả đơn vị Trung đội 11, Đại đội 28 chúng tôi phòng ngự trên đồi do anh Sông làm Trung đội trưởng chỉ huy, tôi là tiểu đội phó, hôm ấy giữ thêm trung liên. Địch tấn công đợt 1, chúng tôi bắn dồn dập bắt chúng phải rút lui. Đợt 2, địch tấn công lên, chúng tôi vẫn bắn dồn dập bắt chúng phải rút lui. Đợt ba địch cho đại bác bắn dồn dập làm sập nhiều hầm. Trung đội trưởng ra lệnh rút. Tôi ở mỏm cao không nghe thấy lệnh nên ở lại cùng hai đồng chí nữa. Địch bắn dữ dội, cây đổ, đất đá đổ xuống người, Đồi Xanh trở thành Đồi Đỏ vì màu của đất. Cậu Chương tiếp đạn ở công sự cách tôi khoảng 5 mét bị thương vào cổ hi sinh. Tôi ngồi cùng Danh, tân binh mới vào được 3 hôm. Danh tiếp đạn cho tôi bắn trung liên. Khi thấy địch bò lên đông tới cả trung đội rồi ném lựu đạn lên, một quả lựu đạn của địch ném rơi đúng bên phải miệng hào, nghe tiếng kêu xèo xèo, khói trắng phụt ra quay tròn bốc lên, tôi nhanh chóng dùng tay hất quả lựu đạn lăn xuống phía địch, nổ “đùng” một tiếng, mảnh đạn cùng đất đá văng ra tung tóe. Địch tiếp tục bắn lên, tôi chỉnh súng bắn trả và hạ gục ngay 2 tên. Bọn khác nhìn thấy thế nằm rạp cả xuống không dám lên. Tôi ném lựu đạn cầu vồng như lúc trước, lựu đạn nổ lại thấy địch kêu lên ô ố rồi chạy mất. Trời chạng vạng tối, một lát sau thì không còn thấy người nữa...” - Đại tá Đặng Đức Song nhớ lại. 

Ngày mồng 5/3/1954, Đặng Đức Song vẫn giữ trung liên, phối hợp với Trung đội 10 do đồng chí Nguyễn Thế Lợi làm Trung đội trưởng lại đánh tiếp Đồi Xanh. Địch dùng ba, bốn xe tăng và hai tiểu đoàn địch lên đánh từ sáng sớm để chiếm lại Đồi Xanh. Đại tá Đặng Đức Song nhớ lại: “Chúng tôi có 24 người kể cả Danh và một số chiến sĩ tân binh. Ngày hôm ấy ta đánh lui sáu, bảy đợt tấn cộng của địch. Anh Nguyễn Thế Lợi phát hỏa đầu tiên. Chúng tôi chờ địch đến gần khoảng mười lăm mét mới bắn. Địch tưởng đại bác của chúng đã bắn quân ta tan tành rồi, không ngờ hầm phòng ngự của ta kiên cố nên địch không thể nào đánh chiếm được Đồi Xanh. Trưa ngày 6/3/1954, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và chính trị viên Tiểu đoàn 439 Đào Văn Xuân đến gắn Huân chương Chiến công cho chúng tôi ngay trong chiến hào. Sau trận đánh, đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316 đã quyết định tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh” cho tất cả 24 đồng chí đã trấn giữ trên Đồi Xanh”.  

Suốt 32 ngày đêm phòng ngự, đơn vị ông đã đập tan nhiều đợt tấn công của địch, chấm dứt âm mưu của chúng trong việc mở rộng vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để giữ vững được trận địa ấy, không ít đồng đội của ông đã bị thương và có người đã hi sinh ngay trên chiến hào. Bản thân Đặng Đức Song cũng bị thương ở bàn chân, nhưng nỗi đau thể xác ấy với ông có lẽ chẳng là bao so với sự mất mát những người đồng đội. Ông bùi ngùi khi nhắc đến những người đồng chí đã hi sinh ở chân Nuổng đầu suối khu Đồi Xanh. Đó là đồng chí Chương, đồng chí Khoái, đồng chí Khơi, đồng chí Huệ, đồng chí Thi… rồi còn nhiều đồng chí khác.

 Sau trận chiến Đồi Xanh, ông nhận nhiệm vụ chỉ huy đội xung kích, cùng đồng đội đánh chiếm đồi C1, C2 tiêu diệt được nhiều tên địch. Những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ như in: “Suốt đêm mồng 6/5, anh em chiến đấu rất anh dũng trong vòng vây. Đến sáng 7/5/1954, nhờ có lựu pháo 105 của ta bắn yểm trợ, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng hạ lệnh xung phong. Quân ta như lớp lớp sóng trào lên, áp đảo, đè bẹp sức kháng cự của kẻ thù, sáu trăm tên địch đã phải đầu hàng. Thừa thắng tiến công, toàn Trung đoàn tiến thẳng vào Mường Thanh. Trước khí thế như vũ bão của quân ta cùng với tiếng loa gọi địch đầu hàng, những tốp cờ trắng xuất hiện rồi lan ra ngày càng nhiều.
Đúng 17h30 phút ngày mồng 7/5/1954, tướng Đờ Cát - tơ - ri cùng toàn bộ sĩ quân tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Giờ toàn thắng đã đến, rừng cờ trắng trải ra khắp các cứ điểm, hàng binh địch lũ lượt ra khỏi hầm, lên mặt đất”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Đặng Đức Song nhận nhiệm vụ giữ chốt cầu Mường Thanh. Cũng chính nơi đây, buổi sớm sau ngày 7/5/1954, ông đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và kỷ niệm đẹp ấy ông vẫn còn lưu giữ đến tận hôm nay. Đại tá Đặng Đức Song xúc động kể lại: “Lúc ấy mọi người đang đào hầm hào, thu dọn chiến lợi phẩm thì được lệnh tập hợp của đồng chí Sung - Trung đội trưởng. Chúng tôi thấy một người trong tốp bảy, tám người vừa đi đến, mặc áo bu dông xanh, cười rất tươi, lần lượt bắt tay từng chiến sĩ. Lúc đó mọi người trong đoàn mới giới thiệu người đứng trước mặt chúng tôi là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi sung sướng đến sửng sốt, không ngờ Đại tướng lại gần gũi giản dị và thân thiết với chiến sĩ đến thế. Đại tướng căn dặn: “Thắng lợi rất lớn nhưng chúng ta đừng chủ quan. Phải giữ sức khỏe vì còn chiến đấu”. Nhìn quần áo anh em xộc xệch, Đại tướng ân cần: “Mấy hôm nữa các đồng chí sẽ được cấp quần áo mới”. Sự quan tâm gần gũi của Đại tướng Tổng tư lệnh đã làm tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi”. 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1956, ông vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân. Cùng với danh hiệu cao quý này Đặng Đức Song còn nhận được nhiều bằng khen, huân huy chương cao quý khác. Và mỗi lần nhắc đến thủơ đôi mươi nơi chiến trường lửa đạn, người “dũng sĩ Đồi Xanh” năm xưa lại trào dâng bao niềm xúc động. Với ông, những năm tháng nơi chiến trường đã hun đúc cho ông thành người thanh niên sống có lý tưởng cách mạng, giúp ông hiểu và trân trọng hơn ý nghĩa của cuộc sống…

Gia Phú