Đặc sắc tản văn Đức Dũng

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:57, 03/05/2019

Có thể nói, đến Ngọn khói quê nghèo - Nxb Hội Nhà văn 2017, những đặc sắc của ký Đức Dũng, bức chân dung nhà báo - nhà văn Đức Dũng đã được định hình rõ nét. Anh là cây bút “tung hoành” khắp các đề tài, từ giáo dục - đào tạo, nông nghiệp - nông thôn đến những đề tài được coi là khô khan như công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, kể cả hoạt động “đi vay để cho vay” là ngành ngân hàng.
Đặc sắc tản văn Đức Dũng

Do đặc trưng thể loại, ký của Đức Dũng tập trung viết về người thực, việc thực - những điều tác giả đã được chứng kiến, mắt thấy tai nghe. Nhưng khác với nhiều đồng nghiệp, anh không chú tâm đi tìm những điều kỳ lạ làm bạn đọc phải ngạc nhiên, sửng sốt, mà thường tập trung phản ánh cái đẹp của cuộc sống đời thường. Dường như, tản văn của anh được dệt bằng những hồi ức đẹp, nhất là những cái đẹp đang có nguy cơ bị biến mất nhưng mãi lấp lánh trong cõi thầm kín của tâm hồn nhà báo – nhà văn mang trái tim nghệ sĩ. Rồi khi viết tản văn, những mảnh ký ức đã được đánh thức và hồi sinh. Đó là tiếng chim tu hú gọi bầy, là thứ ánh sáng huyền ảo lập lòe phát ra từ bầy đom đóm, là cây gạo hoa đỏ như một mâm xôi gấc khổng lồ trong tiết tháng ba, là sắc phượng hồng rực rỡ báo hiệu những mùa thi, là những chiếc lá vàng mùa thu chao nghiêng, là sắc thắm hoa đào và hương vị ngày Tết cổ truyền, là lời mẹ ru dịu ngọt, là ánh đèn dầu soi tỏ những trang giấy học trò, là con đường quê, mảnh sân quê. Ngọn khói quê nghèo là những loài cây quen thuộc: cây khế, cây dừa, cây tre, bụi chuối; là dòng sông chở nặng phù sa nuôi lớn những cánh đồng… Tất cả đã găm sâu vào ký ức, gần gũi, thân thương và thấm đẫm hồn quê. Theo quy luật của trí nhớ, ấn tượng về một sự vật, hiện tượng đã qua sẽ in dấu ấn đậm nét trong tâm tưởng nếu trong quá khứ nó đã từng mang lại cho ta cảm giác hân hoan, vui sướng hay khổ đau giận dữ. Chỉ cần một sự nhắc nhớ, tất cả những điều chìm sâu trong quên lãng sẽ ùa về, bùng nổ thành những đợt sóng của hoài niệm, lắng đọng trong từng con chữ.
Rõ ràng trong tản văn của anh, ký ức có một vai trò đặc biệt quan trọng, giúp anh có một bút lực tốt và văn anh có hồn. Chúng làm cho những bài viết của tác giả đầy ắp cảm xúc, giàu chất văn, bay bổng lãng mạn mà rất hiện thực.
 Vì ký ức luôn gắn liền với sự thật, một sự thật trong quá khứ mà ta không thể nào quên. Đó chính là tiếng vọng, là ngọn nguồn kích thích sự sáng tạo, là chất liệu ban đầu được người nghệ sĩ nhào nặn, thổi hồn thời đại vào rồi biến đổi theo trí tưởng tượng và chủ ý của mình để tạo ra hình tượng nghệ thuật mới. Và giống như phần lớn những đứa trẻ ở vùng quê nghèo cùng trang lứa, ký ức về Tết - ngày lễ trọng, với khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng được nhớ kỹ, luôn là những hoài niệm theo anh suốt cuộc đời. Nên không có gì lạ, khi Đức Dũng có tới bốn tản văn về ngày Tết: Thương nhớ hoa đào, Tết - Ngày trở về, Đón giao thừa, Bâng khuâng … Tết. Qua cụm bài viết ăm ắp cảm xúc, tác giả đã gửi đến bạn đọc bức thông điệp mà anh luôn trăn trở: Tết là ngày trở về, Tết là đoàn tụ, Tết để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống...
Có thể nói, sức cuốn hút và khả năng gây ấn tượng trong lòng bạn đọc của ký Đức Dũng là nhờ trường liên tưởng mạnh mà những ký ức đẹp đã tạo nên. Ví dụ: trong tùy bút Những dòng sông… khóc, ký ức đã giúp trường liên tưởng trong anh không ngừng phát sóng, đã đánh thức nguồn năng lượng tiềm ẩn, huy động toàn bộ những kiến thức đã được tích tụ, tạo nên một bài viết nhiều tầng, nhiều lớp. Bắt đầu là khái quát về giá trị to lớn của những dòng sông đối với sự sống, với nền kinh tế, với giao thông và an ninh. Tiếp theo là những minh chứng xác đáng về vai trò quan trọng của những dòng sông lớn, nổi tiếng trên thế giới: Đa nuýp xanh, Volga, Trường Giang, Hoàng Hà, sông Hằng, sông Seine, sông Nin, sông Amazon… đối với sự hình thành nền văn hóa nghệ thuật của nhân loại. Rồi lại trở về với những dòng sông Việt: sông Đà, sông Lô, sông Thao, sông Hồng, sông Chảy, sông Đuống, sông Hương, sông Vàm Cỏ… Nguồn cội đã sinh ra những tác phẩm thơ ca nhạc họa để đời: Trường ca sông Lô (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương), Khúc hát sông quê (thơ Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo)… Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tùy bút sông Đà (Nguyễn Tuân), Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh), Dòng sông ai đã đặt tên (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục)…
Tản văn của Đức Dũng rất có văn. Chất văn thể hiện ngay trong những cái tít chứa đựng đầy cảm xúc được hình thành bởi nhiều biện pháp tu từ đắt giá: Tiếng chim tu hú, Mùa phượng cháy, Miên man… thu, Thương nhớ hoa đào, Bâng khuâng… Tết, Những dòng sông…  khóc.
 Chất liệu văn học nghệ thuật được đưa vào tản văn của Đức Dũng một cách tự nhiên ở mọi vị trí: mở đầu, trong nội dung hay phần kết thúc. Có thể là một câu hát (Tiếng chim tu hú, Thu đi, Bâng khuâng… Tết, Đón giao thừa, Dừa ơi!), một câu ca dao (Đom đóm bay ra, Mảnh sân quê) hay một câu thơ (Thương nhớ hoa đào của Phạm Tiến Duật, Ngọn khói quê nghèo của Hữu Thỉnh). Nhưng tất cả đều được tác giả vận dụng hợp lý, để tạo hiệu ứng cho bài viết. 
Chất văn thấm đẫm trong những câu văn đẹp: “Giờ đây, lúa chiêm đang chín, mùa quả ngọt lại về, những cánh phượng lại rắc đỏ sân trường và rơi hồng mái phố. Nhưng tiếng chim tu hú chỉ còn âm vang trên nhạc, phảng phất trong thơ và… khó nhọc trong sức tưởng tượng của trẻ thơ”; “Và trong buổi chiều bời bời rơm rạ củi lửa ấy, những ngọn khói quê nghèo lại thong thả nhả lên bầu trời yên ả như màu tóc của mẹ ta”.
Xuất thân từ người làm báo, nên trong bất kỳ tác phẩm ký nào anh cũng không quên đưa ra những giải pháp tích cực để định hướng cho dư luận xã hội. Khi thì nhẹ nhàng bày tỏ thái độ tiếc nuối tiếng tu hú, ánh đèn dầu đã vĩnh viễn chỉ còn trong quá khứ: “Đèn quê mãi mãi là thứ ánh sáng thiêng liêng, là sợi dây nối kết cộng đồng bền chặt nhất, neo giữ sẻ chia khi “tối lửa tắt đèn”. Đèn quê mãi là hồn quê”. Khi bằng những con số “biết nói” thẳng thắn chỉ ra cho bạn đọc thấy một sự thực đau lòng: những dòng sông khắp nơi bị bức tử dữ dội mà nguyên nhân là bởi con người can thiệp thô bạo; khai thác cát sỏi, nước ngầm, lấp sông làm nhà gây sạt lở gây nên ô nhiễm, khiến nhiều gia đình phải mất nhà ở và nguồn sinh kế…
 Không ít lần anh trực tiếp đưa ra những kiến nghị với các nhà hoạch định chính sách để kịp thời có những dự án để bảo vệ những giá trị truyền thống, bảo vệ môi trường và những cảnh đẹp quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng...
Có thể nói, tập tản văn Ngọn khói quê nghèo là một thành công tiếp theo của Đức Dũng, sau hai tập bút ký “Điều giản dị” và “Hẹn những mùa vàng” (Nxb Hội Nhà văn 2015) đều là các tiểu thể loại nằm trong thể ký nói chung. Qua một số tác phẩm ký hấp dẫn của tác giả, người đọc có thể nghĩ đến “một giọng điệu, lớp ngôn ngữ riêng, một ý tưởng và chủ kiến cá nhân, một quan sát và tái hiện độc đáo”. Bởi, khi con người càng có nhiều ký ức được lưu giữ thì càng có khả năng đứng vững trong hiện tại và càng có động lực để vươn tới tương lai. Trên đà của một “tay” ký chuyên nghiệp được khẳng định thương hiệu qua các giải thưởng, từ báo Văn nghệ đến Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức, chúng ta hoàn toàn có quyền trông đợi, kỳ vọng ở anh “hẹn những mùa vàng”! 

Trần Thị Trâm