“Nước Đức duyên nợ của đời tôi” Lời đồng vọng từ hai phía chân trời
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:56, 03/05/2019
“Tôi mang trong tim một tình yêu sâu nặng với nước Đức, với ngôn ngữ và văn học Đức. Tình yêu đó đã mở rộng chân trời. Đối với tôi, nước Đức là cả một chân trời. Tôi được đến Cộng hòa dân chủ Đức từ bé, được nhân dân nước này chăm sóc, nuôi dưỡng với tình cảm quốc tế cao cả. Với riêng tôi, mãi mãi sông Hồng và sông Rhein hòa chung một dòng chảy ” - nhà thơ, nhà báo, dịch giả Trần Đương trong lần trả lời phỏng vấn Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức đã xúc động chia sẻ như thế. Và có lẽ đây cũng là lý do khiến ông
Nhà báo Trần Đương trò chuyện với các đồng nghiệp Thông tấn xã ADN khi mới nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin (Hè 1972)
Khi cầm trên tay cuốn sách đầu tiên của bộ sách “Nước Đức duyên nợ của đời tôi” của Trần Đương, tôi khá bất ngờ. Bất ngờ bởi lẽ khi làm bộ sách này ông đã xấp xỉ tuổi bát thập - cái tuổi mà nhiều người cho phép mình được nghỉ ngơi. Bất ngờ hơn bởi trước bộ sách này Trần Đương từng có tới hơn 100 đầu sách đã xuất bản bao gồm cả sách sáng tác, sách dịch và sách biên soạn, sách in chung. Và khi đọc “Nước Đức duyên nợ của đời tôi”, tôi mới hiểu rằng những kỷ niệm của năm tháng dưới bầu trời nước Đức ấy chẳng dễ làm ông thôi nhung nhớ.
Trần Đương bảo rằng, đây không phải là tập hồi ký mà chỉ là câu chuyện dông dài của một người suốt đời gắn bó với nước Đức, dù làm việc dưới bầu trời nào. “Tôi muốn gửi gắm vào đó lời biết ơn từ đáy tim mình với Nhà nước và nhân dân hai nước đã cho tôi một “cơ duyên” đặc biệt” – ông chia sẻ. Chuyện dông dài ấy được bắt đầu từ ký ức thuở thiếu thời của một cậu bé sống ở ngôi làng nhỏ nằm trên bờ biển ở Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa; từ những kỷ niệm trong lần đầu tiên được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch trước khi Trần Đương rời Hà Nội sang học tập ở CHDC Đức, rồi sau đó là những năm tháng tuổi thơ bên lâu đài Moritzburg...
Qua từng trang sách, qua từng hành trình, người đọc có thể thấy được những bước chuyển trong nhận thức của Trần Đương từ khi còn là một cậu bé tuổi 12 với bao bỡ ngỡ, chộn rộn khi tạm biệt Tổ quốc lên đường sang Đức học tập cho đến khi trưởng thành là một chàng trai tràn đầy hoài bão ước mơ. Từ thành phố Bitterfeld (Đức) đến chân núi Đại Từ (Thái Nguyên), đó là một hành trình dài không thể nào quên trong ký ức của Trần Đương. Ông nhớ về những kỷ niệm mùa hè năm 1959 – khi trở lại quê nhà, nhớ “bước ngoặt” khi quyết định rẽ lối từ ngành hóa sang ngành văn với bao hăm hở bước vào giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhớ những ngày tháng được hòa mình trong thế giới của học thuật và sáng tạo…
Và một chặng đường cũng đã in dấu trong tập đầu tiên của bộ sách “Duyên nợ của đời tôi” của Trần Đương đó là những năm tháng dưới mái nhà thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam - nơi ông làm việc sau khi tốt nghiệp đại học); là Quảng Bình cát, nắng và lửa – nơi ông đã sống những ngày hết sức sôi nổi, ghi chép được nhiều tư liệu chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến.
Nếu như tập 1 - “Tuổi thanh xuân dưới hai bầu trời”, độc giả thấy rõ chặng đường 29 năm đầu đời của Trần Đương thì tập 2 “Hiển hiện Tổ quốc trong tim mình” lại dòng hồi ức về 10 năm tiếp theo khi ông làm phóng viên thường thú và phụ trách cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin (Đức). Trần Đương bảo rằng với ông đó là 10 năm quan trọng nhất của cuộc đời mình. 10 năm ấy được đánh dấu bằng những bản tin thông tấn quan trọng đầu tiên, những bài báo đăng trên báo Đảng của hai nước, những quyển sách được dịch ra tiếng Đức; bằng những cuộc tiếp xúc với hàng loạt những nhân vật quan trọng nhất trong các lĩnh vực chính trị, văn học – nghệ thuật của cả hai nước và trên thế giới, những ghi chép về mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Đức và bạn bè quốc tế. 10 năm ấy dẫu ông không thiếu thốn về vật chất, không trải qua bom đạn song đó lại là cuộc “bơi lội” trong vòng xoáy của xã hội, trong dòng sông cuộn chảy của các sự kiện chính trị, thời sự mà ông đã ghi lại trong mấy chục cuốn nhật ký và sổ tay phóng viên của mình.
Trần Đương ví von lúc nhận quyết định đi lập Phân xã Thông tấn xã Việt Nam và làm phóng viên thường trú ở nước ngoài, ông chẳng khác gì người thợ cày hồi hộp đi mở những đường đất mới tinh khôi trên cánh đồng lạ lẫm, chưa từng được khai phá. “Ở trận chiến đấu mới ấy, tôi có khát vọng làm được nhiều việc có ích cho Tổ quốc. Con tàu đưa tôi về phía Tây, nhưng tâm hồn tôi vẫn nóng bỏng khí thế chiến đấu ở phương Đông xa xôi – nơi ấy có cha mẹ tôi, gia đình tôi, có những người bạn đang xông vào khói lửa bằng cây bút và cây súng” – Trần Đương chia sẻ. Và rồi từ người lính lần đầu bước vào trận địa mới, Trần Đương đã dần khẳng định được mình.
10 năm ở Berlin, ông đã được chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng, được tiếp xúc với những nhân vật chính khách của nước Đức và thế giới, các nguyên thủ quốc gia, các lãnh tụ Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế, các nhà hoạt động văn hóa xã hội, rồi cả những trí thức văn nghệ sĩ đến những thầy cô giáo, các bác công nhân, nông dân và các bạn sinh viên, học sinh… Những sự kiện mà ông đã chứng kiến, những con người mà ông đã gặp gỡ và tiếp xúc, rồi những vùng đất mà ông đã đi qua… tất cả ăm ắp trong gần 500 trang sách.
Không chỉ là những bài báo, bản tin thời sự, dưới bầu trời Berlin, ông viết về tấm lòng nặng nghĩa tình với Việt Nam của Fidel Castro – vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Cu ba; về Konstantin Simonov – tác giả bộ phim “Không nỗi đau nào của riêng ai” và cũng là tác giả bài thơ “Đợi anh về ” nằm lòng trong trái tim bao người dân Việt Nam; về trái tim nhân hậu của nữ văn hào Anna Seghers; về nhà thơ Franz Faber – người đã dịch “Truyện Kiều” của Việt Nam ra tiếng Đức; về Erwin Borscher - chàng rể ưu tú của Việt Nam; về nhà điêu khắc lừng danh Heirich Dracke từng nặn tượng Bác Hồ tại Hà Nội năm 1958… Cũng dười bầu trời Berlin ấy trong những đêm hè nóng nực hay những đêm đông ngập tuyết, Trần Đương còn miệt mài dịch thơ, truyện ngắn Việt Nam ra tiếng Đức; viết những bài báo về Tổ quốc mình trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, về các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, giới thiệu trên đài truyền hình và truyền thanh nước bạn với ước mong đưa Tổ quốc Việt Nam đến gần với bạn bè ở phía trời Âu.
Như một thước phim quay chậm, từng phần, từng câu chuyện trong tập 2 của bộ sách đã giúp cho bạn đọc có một hình dung rõ nhất về chặng đường 10 năm mà tác giả đã đi qua. Từ “Đồng vọng từ hai phía chân trời” đến “Hối hả tuổi 30”, “Hạnh phúc chung và riêng” và tiếp đó là “Những gương mặt, những cuộc đời tỏa sáng”, người đọc thấy được một Trần Đương cần mẫn, xông xáo nhiệt huyết, tràn đầy tâm hồn và sức sáng tạo. Ông viết mà như kể, như sẻ chia, tâm tình. Ông viết như để vơi đi nỗi nhớ, để dãi bày những chất chứa yêu thương với nơi mà ông coi là quê hương thứ 2 của mình. Và có lẽ chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để neo trong lòng người đọc những dấu ấn sâu đậm về “cây lực điền trên cánh đồng văn hóa” – Trần Đương. Riêng người viết bài này thì tin rằng cùng với hai tập tiếp theo (tập 3: Nước Đức trong lòng Hà Nội; tập 4: Sông Hồng, sông Rhein hòa chung dòng chảy) mà Trần Đương sẽ ra mắt trong thời gian không xa nữa, bộ sách “Nước Đức duyên nợ của đời tôi” sẽ góp thêm một minh chứng sống động cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đức từ góc nhìn của người nối nhịp cầu, người đã coi nước Đức là duyên nợ của đời mình – nhà báo, nhà thơ, dịch giả Trần Đương.