Phát triển không gian ngầm đô thị: Đâu là hướng để bứt phá?
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:10, 29/03/2022
Nhu cầu bức thiết
Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua, vươn mình trở thành một đại đô thị với dân cư đông, nền kinh tế đa dạng. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dân số cơ học, phương tiện giao thông, kinh tế - xã hội lại nhanh gấp nhiều lần sự tăng trưởng không gian đô thị, đặc biệt là đất dành cho giao thông.
Không chỉ bất cập với những vấn nạn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…, đô thị Hà Nội còn cho thấy những nét lộn xộn, bố trí chưa chặt chẽ, làm giảm thiểu hiệu quả khai thác không gian phục vụ đời sống dân sinh cũng như nền kinh tế. Trong khi nội thành quá đông đúc, khu vực ngoại thành với những đô thị vệ tinh sớm được quy hoạch lại chưa thành hình, chưa đủ điều kiện kéo giãn mật độ dân cư, hạn chế khả năng phân bố đồng đều áp lực về giao thông, môi trường.
Mặt khác, do các cụm dân cư hình thành trước, vận tải công cộng, đặc biệt đường sắt đô thị chạy theo sau nên mô hình phát triển kinh tế lấy đầu mối giao thông công cộng làm hạt nhân (TOD) chưa được định hình. Thực tế cho thấy, trong nội thành Hà Nội thiếu từ đường sá, bến bãi gửi xe cho đến không gian làm dịch vụ, thương mại; các khu vực kết hợp dịch vụ với hoạt động văn hóa, vui chơi còn nhỏ lẻ, chưa xứng tầm với một đô thị hơn 8 triệu dân.
Trong bối cảnh đó, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch không gian ngầm đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Nhiều đô thị lớn trên thế giới đã có chiến lược phát triển rõ ràng với đường sắt đô thị (ĐSĐT) đi ngầm, bến bãi đỗ xe ngầm từ khi mới đạt 2 - 3 triệu dân. Các trung tâm thương mại dịch vụ lớn xoay quanh đầu mối giao thông ngầm vừa kích thích sự phát triển kinh tế, vừa san sẻ gánh nặng cho không gian nổi đô thị, tạo điều kiện cho việc hình thành đô thị “nén” mà vẫn giảm thiểu được tác động tiêu cực lên hệ thống hạ tầng giao thông.
Có thể nói, việc tập trung nguồn lực cho không gian ngầm, đặc biệt với hệ thống giao thông công cộng ngầm (bao gồm cả giao thông động và tĩnh) là quyết sách đúng đắn của Hà Nội, tháo gỡ rất nhiều khó khăn trên đường phát triển. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng sự tập trung cho không gian ngầm của TP đã khá muộn và chậm chạp. Nó còn có thể chậm hơn nữa, đem lại hiệu quả ít ỏi hơn nữa nếu TP không có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ đầu.
Nhiều việc rất khó
Để phát triển không gian ngầm đô thị tại Hà Nội cần rất nhiều điều kiện, giải pháp đột phá. Trong đó, những vấn đề đáng quan tâm nhất là cơ chế, chính sách; nguồn vốn; chiến lược trung và dài hạn; công nghệ, nhân lực trình độ cao. Một trong những điều kiện quan trọng nhất đối với Hà Nội lúc này cần sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, sâu sát của các cấp chính quyền nhằm nhanh chóng biến quy hoạch thành hiện thực.
Lịch sử phát triển đô thị trên thế giới cũng như ở nước ta đã cho thấy, nền tảng quan trọng nhất, điều kiện tiên quyết là có cơ chế, chính sách đặc thù, toàn diện, thông thoáng nhưng vẫn chắc chắn. Có chính sách phù hợp mới lựa chọn được chiến lược phù hợp, kêu gọi được nguồn vốn đầu tư xã hội cũng như khơi thông nhiều điểm nghẽn khác về công nghệ, nhân lực. Việc đưa ra một bản Quy hoạch chi tiết về phát triển không gian ngầm đô thị mới là bước đi đầu tiên. Triển khai vào thực địa sẽ còn nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập như GPMB; hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với TP…
Bởi vậy, song song với quy hoạch, Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ hành lang pháp lý có liên quan đến không gian ngầm, chuẩn bị sẵn những chính sách cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại để tránh những vướng mắc có thể gây trì hoãn tiến độ xây dựng không gian ngầm như một số tuyến ĐSĐT, bãi đỗ xe ngầm đã gặp phải trong nhiều năm qua.
Theo tính toán, mỗi hạng mục hạ tầng ngầm có giá thành cao gấp 2 – 3 lần khi xây dựng nổi. Bởi vậy ngân sách chắc chắn chỉ đáp ứng được phần nào, còn lại phải trông chờ vào nguồn lực xã hội. Mà muốn thu hút được vốn xã hội hóa, TP cần đưa ra những ưu đãi đủ sức hấp dẫn. Đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp đột phá sẽ bế tắc ngay từ đầu.
Hòa vào xu hướng chung của thời đại, Hà Nội đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh với việc áp dụng công nghệ hiện đại vào xây dựng, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Việc đưa công nghệ vào phát triển đô thị lại rất cần một lực lượng nhân sự lớn có trình độ cao. Bởi vậy, bên cạnh việc tiếp nhận công nghệ mới, TP cần có kế hoạch đào tạo bài bản, quy mô lớn đội ngũ nhân lực này ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, TP cũng cần quan tâm hơn nữa, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các công trình ngầm còn dang dở, chậm trễ nhiều năm qua. Đặc biệt giải quyết dứt điểm những khó khăn của các dự án ĐSĐT, bởi đây chính là những hạt nhân trung tâm của không gian ngầm, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Thủ đô.
Cùng với việc đầu tư, xây dựng mới, Hà Nội đã tính đến việc tận dụng không gian ngầm ngay tại những công trình hạ tầng đang hiện hữu, ví dụ như việc ưu tiên xây dựng thêm phần ngầm tại các bãi đỗ xe sẵn có. Đây là bước đi đúng đắn nhằm giảm thiểu áp lực về vốn, tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư, tiết kiệm không gian đô thị.