Kinh tế 4 tháng: Tín hiệu khả quan

Tin tức - Ngày đăng : 11:52, 08/05/2019

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 so với tháng 3 tăng 0,31%; sau 4 tháng tăng 1% và tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước tăng 2,71%.
Kinh tế 4 tháng cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Song cũng có một số vấn đề cần cảnh báo.
Ngành khai khoáng tiếp tục giảm tốc
Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục tăng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất (10,9%), tiếp đến là sản xuất và phân phối điện (9,2%)... thì công nghiệp khai khoáng không tăng.
Thậm chí một số sản phẩm chủ yếu giảm sâu (dầu thô, khai khoáng khác, khí đốt thiên nhiên dạng khí,…). Trong khi một số sản phẩm tăng thấp thể hiện tính gia công, lắp ráp còn lớn. Hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp...
Vốn đầu tư nguồn ngân sách thực hiện kế hoạch cả năm của một số bộ/ngành, địa phương đạt khá hơn (trên 20%) như Bộ GTVT; KH&CN, các tỉnh Phú Thọ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Bình... Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tính đến đạt 7455,5 triệu USD, tăng 28,5%, trong đó đăng ký mới đạt 5345 triệu USD, tăng 50,4%; đăng ký bổ sung 2190,5 triệu USD, giảm 6%; thực hiện đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tuy nhiên, vốn ngân sách đạt tỷ lệ cả năm còn thấp (21,3%), trong đó một số bộ/ngành và địa phương đạt thấp (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế; TP Hồ Chí Minh…).
Tiêu thụ tăng, nhưng chậm lại
Tiêu thụ trong nước thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng khá cao (11,9%), nếu loại trừ yếu tố giá kỳ này đã tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (9% so với 8,9%), trong đó bán lẻ và du lịch lữ hành tăng cao hơn tốc độ chung. T
uy nhiên, tỷ trọng của bán lẻ hàng hóa cao nhất và tăng lên (76,8% so với 75,9%), còn trong khi tỷ trọng dịch vụ còn thấp và giảm (23,2% so với 24,1%). Trong khi xuất khẩu tiếp tục tăng, trong đó tốc độ tăng của khu vực kinh tế trong nước cao hơn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (10,5% so với 4%). Những mặt hàng liên quan đến thế mạnh về lực lượng lao động, giá nhân công rẻ đã tăng cao hơn tốc độ chung.
Do xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, nên trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam tiếp tục ở vị thế xuất siêu (711 triệu USD) trong 4 tháng đầu năm 2019. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm không những không nhập siêu lớn như kế hoạch, mà có thể còn xuất siêu năm thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa vừa thấp hơn của cùng kỳ (19,1%), vừa thấp hơn kế hoạch năm (7 - 8%). Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn nhỏ.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, nhưng chưa thể chủ quan
Tốc độ tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp hơn mức theo mục tiêu đề ra cho cả năm chứng tỏ lạm phát tiếp tục được kiểm soát theo mục tiêu, với nhiều yếu tố tác động, như bội thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục thấp, hàng hóa, nhất là nông sản thực phẩm và một số công nghệ phẩm dồi dào, giá cả xuất/nhập khẩu tăng không cao...
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan và lơ là với lạm phát có thể cao hơn năm trước và vượt mục tiêu đề ra, với sự tác động của nhiều yếu tố.
Trên thế giới, các quốc gia có nền kinh tế lớn, nhất là Mỹ đã chuyển từ nới lỏng trở lại thắt chặt chính sách tiền tệ khi dừng tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm; giá xăng dầu thế giới đã và đang trên đà tăng lên; một số mặt hàng do chính sách bảo hộ và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,... làm cho giá cả trên thế giới tính bằng USD cũng tăng lên.
Trong nước, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quyết định về giá cả đã được dừng hoãn trong năm trước, năm nay đã và sẽ thực hiện với liều lượng cao hơn, thời gian dồn dập hơn...
Tỷ giá VND/USD bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng khá cao (2,12%), trong khi tốc độ tăng xuất khẩu vừa thấp hơn cùng kỳ, vừa thấp hơn mục tiêu cả năm, còn nhập khẩu lại tăng cao hơn cùng kỳ và cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu... Đây là những yếu tố tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu lạm phát, trong khi mục tiêu 4% của cả năm không phải là thấp.

Đức Minh/KTĐT