Báo Người Hà Nội kỷ niệm 34 năm ngày thành lập

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:22, 09/05/2019

Sáng ngày 8/5/2019, báo Người Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 34 năm ngày thành lập (8/5/1985 - 8/5/2019). Tới dự lễ kỷ niệm gồm lãnh đạo báo và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Báo Người Hà Nội kỷ niệm 34 năm ngày thành lập
Ngoài làm tốt chức năng tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua, báo Người Hà Nội còn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình an sinh xã hội, hướng về cộng đồng như chương trình: "Khúc quân hành", "Xuân ấm vùng cao, tình yêu người Hà Nội"... Trong ảnh là Ban tổ chức chương trình "Khúc quân hành" lần thứ IV - 2018 thăm, tặng quà nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ni tại Côn Đảo.

Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng biên tập báo Người Hà Nội nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm ngày thành lập báo Người Hà Nội là dịp để tôn vinh, ôn lại truyền thống tốt đẹp, tri ân thế hệ những cán bộ, phóng viên, biên tập viên là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo kế tiếp nhau đã và đang làm việc ở tòa soạn báo của văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Đồng thời tạo tiền đề, động lực để tập thế cán bộ, phóng viên tiếp tục có những sáng tạo, cống hiến cùng nhau xây dựng, phát triển tờ báo xứng đáng niềm tin của công chúng.

Tại buổi mít tinh, cán bộ, phóng viên có dịp nhìn lại chặng đường phát triển của Báo. Ngày 8/5/1985, trên cơ sở Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương và giấy phép của Bộ văn hóa, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra quyết định số 1329/TCCQ về việc thành lập tờ báo văn nghệ Người Hà Nội. Ngay sau đó tuần báo Người Hà Nội được ra số báo đầu tiên với 16 trang báo, thay vì tờ thông tin và tạp chí hàng tháng mang tính chất nội bộ của hàng chục năm trước đó.

Cùng với lịch sử đấu tranh cách mạng giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc ta, báo Người Hà Nội luôn thực hiện theo đúng hướng, tôn chỉ mục đích, đáp ứng tốt nhu cầu là kịp thời phản ánh và truyền tải thông tin về các hoạt động trọng yếu của thành phố và các cấp ngành đến lực lượng hội viên và độc giả. Mặt khác, phản ánh những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sỹ và bạn đọc đồng thời với việc giới thiệu các sáng tác trong văn học cũng như các ngành nghệ thuật. Ở thời điểm nào Báo cũng ý thức việc truyền tải thông tin bằng bút pháp sáng tạo văn học nghệ thuật là phương tiện truyền tải có sức thu hút sâu sắc và bản chất. Do vậy nó phát huy được hiệu quả, tạo lập một ý thức bền vững trong lòng bạn đọc.

Sau Đại hội lần thứ VI, Hội Văn nghệ Hà Nội với cơ cấu tổ chức hội đã quyết định cơ bản đến khung cán bộ của Báo. Nhà thơ Bằng Việt là Tổng thư ký hội, Nhà văn Tô Hoài là Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập báo Người Hà Nội. Thời kỳ đầu có Nhà văn Triệu Bôn, Nhà thơ Như Mạo, Nhà văn Nguyễn Anh Biên, Nhà văn Hương Trâm, và Họa sỹ Thẩm Đức Tụ. Dần dần, số cán bộ đông thêm lên như: Hoàng Kim Đán, Vũ Tiến, Hoàng Cầm, Bùi Xuân Phái…

Những năm đầu mới ra tuần báo, Nhà văn Tô Hoài đồng thời làm việc ở Hội nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Bằng Việt đồng thời là Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội nên công việc đều phải được gánh vác chung. Khi tờ báo đi vào ổn định Nhà thơ Bằng Việt chính thức là Tổng biên tập báo Người Hà Nội cho đến cuối năm 1990. Đây cũng là những năm Đảng và Nhà nước bước vào sự nghiệp đổi mới. Từ năm 1990 đến nay, Báo Người Hà Nội được dẫn dắt bởi các thế hệ lãnh đạo là những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như: Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nhà thơ Vũ Quần Phương, Nhà văn Nguyễn Anh Biên, Nhà báo Hồ Xuân Sơn, Nhà thơ Bế Kiến Quốc, Nhà thơ Vũ Xuân Hoát, nhà thơ Bùi Việt Mỹ…

Trải qua 34 năm xây dựng và phát triển, báo Người Hà Nội luôn được đông đảo bạn đọc yêu mến. Hiện nay báo có 5 ấn phẩm, gồm: Người Hà Nội, Người Hà Nội cuối tuần, Người Hà Nội cuối tháng, Nghệ thuật mới và Người Hà Nội điện tử www.nguoihanoi.com.vn.

Tại buổi lễ, Tổng biên tập Đào Xuân Hưng chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn chung của báo chí hiện nay, báo Người Hà Nội cũng không ngoại lệ. Tổng biên tập mong muốn cán bộ báo Người Hà Nội luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn đưa báo phát triển lên tầm cao mới để báo trở thành cầu nối thông tin giữa các địa phương trong cả nước với Thủ đô Hà Nội. Nhà báo Đào Xuân Hưng cũng khẳng định, Hà Nội là tấm gương văn hóa của cả nước, chính vì vậy, báo Người Hà Nội sẽ thực hiện sứ mệnh đó bằng cách truyền tải sâu rộng các mặt của đời sống, xã hội; những nét đẹp, giá trị văn hóa của người Hà Nội; đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp quản lý.

Buổi lễ kỷ niệm 34 năm ngày thành lập báo Người Hà Nội cũng là dịp để toàn thể cán bộ phóng viên có cơ hội xích lại gần nhau hơn, được trao đổi, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, để có tác phẩm báo chí có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả; bắt kịp xu thế phát triển của báo chí nói chung.

Thực hiện tinh thần của Luật Thủ đô về công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, những năm năm qua báo Người Hà Nội luôn là đơn vị tiên phong trong công tác tuyên truyền giá trị văn hóa Hà Nội. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ truyền tải chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, hàng năm, báo Người Hà Nội còn phối hợp với các cơ quan đơn vị cùng sự đồng hành quý doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức những chương trình an sinh xã hội, hướng về cộng đồng như chương trình “Khúc quân hành” dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, chương trình “Xuân ấm vùng cao – Tình yêu người Hà Nội” vào dịp Tết đến xuân về… 

Chuỗi hoạt động thiện nguyện, thắp lửa tri ân ấy là việc làm thiết thực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện vai trò, trách nhiệm của Báo đối với cộng đồng, nhất là các đối tượng chính cách, thiệt thòi, kém may mắn dễ bị tổn thương trong xã hội để họ có điều kiện vơi bớt khó khăn tăng thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

PV