Nhiều uẩn khúc trong một bản án "lạ" ở Quảng Ninh: Bài 3 - Chỉ có camera quay lại mới chứng minh được!
Tin tức - Ngày đăng : 21:52, 10/05/2019
Nhiều uẩn khúc trong một bản án "lạ" ở Quảng Ninh: Bài 2: Chứng cứ... "câm"
Nhiều uẩn khúc trong một bản án "lạ" ở Quảng Ninh: Bài 1 - Khởi tố vụ án đã được xử phạt hành chính
Luật sư Sơn cho rằng: Muốn kết tội các bị cáo tội cố ý gây thương tích thì phải có chứng cứ chứng minh cụ thể hóa các tình tiết (ảnh cắt từ video)
Trong 3 cái biên bản hiện trường, đại diện Viện kiểm sát cho rằng chỉ có một biên bản khám nghiệm hiện trường năm 2014; còn lại hai cái biên bản sau chỉ là biên bản xem xét hiện trường mà thôi. Vì vậy biên bản năm 2014 được đưa vào hồ sơ là hợp lý. Ngay sau khi đại diện viện kiểm sát nói thế đã bị luật sư phản bác lại luôn bằng việc đọc lại nội dung hai biên bản: Biên bản năm 2018 nội dung ghi rõ: Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 6/7/2018. Biên bản năm 2019 cũng viết rõ: Biên bản khám nghiệm hiện trường. Tiêu đề này được in bằng chữ in hoa, cỡ chữ to nhất trong cả biên bản vậy mà đại diện viện kiểm sát đã lấp liếm nói rằng hai biên bản sau không phải là biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trong cả hai biên bản khám nghiệm hiện trường năm 2018, 2019 đều không thể hiện dấu vết nào chứng minh bị cáo có tội. Đó chỉ là việc đo chiều rộng, dài của cái sân, đo khoảng cách từ cổng đến sân… Do vậy, giá trị chứng minh là hoàn toàn không có. Còn biên bản năm 2014 được lập vào hồi 21 giờ ngày 14/11 viện kiểm sát cho rằng là duy nhất có giá trị pháp lý thì lại có dấu hiệu vi phạm quy trình tố tụng.
Đại diện Viện kiểm sát TP. Uông Bí bất ngờ trả lời: Muốn chứng minh cụ thể thì chỉ có camera quay rồi xem lại (ảnh: cắt từ video)
Cụ thể, thời điểm 2014 chưa khởi tố vụ án làm gì có việc phân công điều tra viên. Không có quyết định phân công điều tra viên, đương nhiên không phải là điều tra viên của vụ án. Không phải ai có thẻ điều tra viên thì thích tham gia vào bất cứ vụ án nào, ở đâu đều được cả. Điều tra viên phải được thủ trưởng cơ quan điều tra giao nhiệm vụ bằng việc ra quyết định theo trình tự quy định của pháp luật.
Luật Tố tụng hình sự chỉ rõ: Điều tra viên phải được phân công điều tra vụ án khi có quyết định khởi tố vụ án thì mới có thẩm quyền ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Tại khoản 1, điều 201 quy định về khám nghiệm hiện trường: Điều tra viên chủ trì khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ bằng chứng, tài liệu, đồ vật, giữ liệu, điện tử các tài liệu liên quan khác và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.
Có nghĩa là ngay câu đầu tiên khẳng định người có thẩm quyền phải là điều tra viên. Khi khám nghiệm hiện trường, điều tra viên phải thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm hiện trường để kiểm sát viên, kiểm sát hiện trường,... có mặt khám nghiệm hiện trường.
Như vậy, căn cứ vào đó thì người ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường năm 2014 không phải là điều tra viên, kiểm sát viên được phân công điều tra vụ án này nên không có giá trị pháp lý.
Hồ sơ vụ án bắt buộc phải dựa trên các quy định của pháp luật về tố tụng, cụ thể là về thẩm quyền, thời gian, địa điểm, chứng cứ phải được xem xét ở tính hợp pháp, tính liên quan và tính chứng minh và do người có thẩm quyền thu thập thì đó mới được coi là chứng cứ.
Một trong những chứng cứ mà viện kiểm sát đưa ra là biên bản hiện trường năm 2014 chứng minh và khẳng định bị cáo có tội thì vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền theo điều 201 quy định về vấn đề khám nghiệm hiện trường. Mà đã vi phạm thì không bàn đến nội dung vì đương nhiên nó không có giá trị.
Hồ sơ vụ án phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật. Công tác trinh sát thu thập các tài liệu để đấu tranh, chuyển hóa chứng cứ đưa vào quy trình điều tra truy tố và xét xử phải theo trình tự nhất định. Chứ không phải chúng ta dùng những tài liệu trinh sát để coi là tài liệu hồ sơ vụ án, tài liệu tố tụng; đó là một sai lầm. Trinh sát là công việc thu thập bằng các nghiệp vụ khác; còn hồ sơ vụ án bắt buộc phải dựa theo quy định pháp luật về tố tụng mà ở đây là thẩm quyền, thời gian, địa điểm,...- Luật sư Sơn nhấn mạnh.
Kịch tính của phiên tòa bỗng được đẩy lên tột đỉnh khi: Đại diện Viện kiểm sát TP. Uông Bí và Luật sư cùng dứng dậy tranh luận nhưng cuối cùng thông tin vẫn chỉ là... chung chung (ảnh: cắt từ video)
Nhân chứng: Lúc nhớ… lúc quên!
Xung quanh việc nguyên đơn là bà Hương nói, có hơn 10 người tham gia vào vụ việc chứ không phải chỉ có mấy bị cáo trong nhóm của Tùng. Vậy, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, có thể lúc đó do nhiều người đến xem, chứ không phải từng đó người tham gia vào gây án.
Ông Nguyễn Xuân Mạnh – công an phường là nhân chứng quan trọng đã trả lời có nhiều tình tiết không nhớ rõ, đại diện viện kiểm sát cho rằng, sự việc diễn ra từ năm 2014 đến nay cho nên anh ấy không thể nhớ hết được do đó mới lúc nhớ, lúc quên(?). Nhưng để đánh giá vụ án chúng tôi không chỉ dựa vào lời khai mà còn phải căn cứ vào nhiều chứng cứ khác nữa…
Vậy, chứng cứ khác nữa mà Viện kiểm sát ý muốn nói tới là gì?. Có thể kể đến ba bản khám nghiệm hiện trường không có giá trị, vật chứng là cái gậy gỗ không có, con dao thì lại của bị hại dùng để chem bị cáo, mấy viên đá thì không chứng minh được dấu vết là của ai ném ai… Nhân chứng không ai khẳng định bị cáo nào trực tiếp đánh bị hại.
Ví dụ nhân chứng khai lúc thì bị cáo Thắng hô: Đánh chết mẹ con đĩ ấy đi. Lúc lại khai: Đánh chết mẹ nó đi, tao chịu. Đại diện viện kiểm sát cho rằng sở dĩ có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau vì bị cáo Thắng hô nhiều lần nên người này nghe thấy thế này, người khác lại nghe thấy thế khác cho nên nội dung lời khai không đồng nhất. Tuy nhiên cũng chỉ một câu nói còn gây tranh cãi ấy mà bị cáo Thắng đã bị tuyên hơn 4 năm tù.
Đại diện cơ quan giám định pháp y (ảnh cắt từ video)
Chỉ có camera quay lại mới chứng minh được!
Việc xét xử là dựa trên chứng cứ. Khi truy tố các bị cáo, Viện kiểm sát phải mang tất cả các chứng cứ ra tòa để chứng minh các hành vi của bị cáo phù hợp với tội đó. Các chứng cứ chứng minh được đến đâu thì xét xử đến đó. Vụ án có đủ chứng cử xử lý tội gì thì kết án tội đó. Trong vụ án này, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo tội cô ý gây thương tích nhưng chứng cứ đưa ra chỉ đủ để chứng minh cho tội gây rối trật tự công cộng. Pháp luật đã quy định rõ chứng cứ phải có giá trị chứng minh. Tức là đưa ra mệnh đề này tất yếu phải suy ra mệnh đề kia. Quy kết phải dựa trên chứng cứ chứ không phải dựa trên trí tưởng tượng.
Ví dụ, trong khi vật chứng là cái gì chứng minh anh Tùng sử sụng đánh anh Hùng thì không rõ. Nhưng cáo trạng lại đưa con dao của bị hại dùng để chém bị cáo làm vật chứng chứng minh bị cáo có tội. Các nhân chứng chỉ nói rằng: Có một số người ném đá vào sân nhà chị Hương chứ không ai nói nhìn thấy ai ném đá vào đầu ai. Hiện trường có vết máu mà cũng không chứng minh là vết máu của ai...
Nếu xét tội gây rối trật tự công cộng thì không cần chứng minh, chỉ cần nói là có hành vi nhốn nháo đánh lẫn nhau rồi cuối cùng có người bị thương… nhưng một khi đã là tội cố ý gây thương tích thì bắt buộc phải xác định cá thể hóa hành vi cụ thể của bị can, ai, làm gì, làm như thế nào, đánh bằng cái gì, các dấu vết đó có phù hợp, ăn khớp với nhau không...
Khi luật sư yêu cầu Viện kiểm sát đưa ra chứng cứ cụ thể chứng minh các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích, đại diện Viện kiểm sát thốt lên rằng: Sự việc xảy ra nhốn nháo như vậy làm sao mà xác định được ai đánh ai, đánh như thế nào; chỉ có camera ở đó quay rồi xem lại mới xác định được. Tức là Viện kiểm sát thừa nhận không thể chứng minh cụ thể hóa được bởi vì sự việc xảy ra không có camera quay lại.
Đây không chỉ là câu chuyện của việc thu thập chứng cứ. Chưa bao giờ có ai nói; chỉ giải quyết những vụ án dễ làm, dễ thu thập mới cần chứng cứ chứng minh. Còn những vụ khó thích xử thế nào thì xử. Thu thập chứng cứ là trách nhiệm của những người có chuyên môn, thẩm quyền, được nhà nước quy định để làm rõ vụ án, tài liệu chứng minh bị cáo phạm tội gì. Thậm chí tài liệu chứng cứ còn phải được thẩm định trên tòa.
Ngay sau khi bản án này được Tòa án nhân dân TP.Uông Bí tuyên, đã bị kháng cáo
Nhà nước bỏ ra nhiều tỷ đồng cải cách tư pháp cũng để nâng cao tính tranh luận tại phiên tòa; làm sáng tỏ bản chất vụ án, tránh oan sai. Vậy mà, ngay tại phiên tòa này đã bộc lộ không ít mâu thuẫn, các vật chứng, dấu vết, hiện trường, lời khai, logic so sánh các chứng cứ thiếu thuyết phục.
Vì cho rằng, chứng cứ chưa đủ chứng minh các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích mà Tòa án nhân dân TP. Uông Bí vẫn xử tội cố ý gây thương tích là dấu hiệu của một bản án "lạ" có nhiều uẩn khúc cho nên các bị cáo đã kháng cáo, có đơn kêu cứu gửi báo chí và các cơ quan chức năng. Báo Người Hà Nội xin chuyển nội dung kêu cứu của các bị cáo trên đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cùng các cơ quan theo thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc làm rõ và trả lời Báo bằng văn bản để Báo có căn cứ trả lời công dân theo quy định của pháp luật; tránh tình trạng đơn thư kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
Báo Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.