Hà Nội: Lập tổ công tác tìm giải pháp xử lý tình trạng nhà xe bỏ bến
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:12, 14/05/2019
Ngày 14-5, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã thành lập Tổ công tác nhằm rà soát, tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng hàng loạt xe khách liên tỉnh bỏ bến, hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ chạy xe. Công tác khảo sát sẽ được tiến hành đến hết ngày 31-5.
Trước đó, vào tháng 1 và tháng 2-2019, tại Bến xe Giáp Bát có 66 doanh nghiệp vận tải hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký; tại Bến xe Nước Ngầm có 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động tại bến.
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho rằng, xe khách tuyến cố định đăng ký, nhưng hoạt động không bảo đảm số chuyến theo biểu đồ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các đơn vị vận tải cố tình vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải.
Các đơn vị vận tải đăng ký khai thác tuyến cố định để được cấp phù hiệu “xe chạy tuyến cố định”, sau đó không đưa phương tiện vào hai đầu bến xe mà cố tình ra ngoài bến để hoạt động đón trả khách sai quy định.
Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết, do nhu cầu tham quan, du lịch tăng cao dẫn đến việc các đơn vị vận tải (chủ yếu là đơn vị vận tải các tỉnh khác) sử dụng xe chạy tuyến cố định để hợp đồng chở khách cũng là nguyên nhân không bảo đảm số ngày xe thực hiện trên tuyến.
Ngoài việc cạnh tranh giữa nhiều đơn vị vận tải trên cùng một tuyến, các đơn vị này còn phải cạnh tranh với loại hình xe khách hợp đồng, xe Limousine chạy “trá hình” như xe tuyến cố định để đón trả khách ở khu vực nội đô...
Ông Đào Việt Long cho rằng, chế tài xử lý nhà xe bỏ bến chưa đủ tính răn đe vì hiện chưa có chế tài mạnh hơn như đình chỉ khai thác tuyến vĩnh viễn. Việc xử lý đối với các đơn vị vận tải cố tình vi phạm bỏ bến hầu như không có tác dụng, vì các đơn vị này cũng không muốn vào bến xe để đón trả khách. Sau đó, họ sẽ lại đăng ký cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” và tiếp tục hoạt động bên ngoài bến, chạy “trá hình” như xe tuyến cố định.
Ngoài ra, theo quy định, một số địa phương vẫn cấp song song 2 loại phù hiệu “Xe hợp đồng” và “Xe chạy tuyến cố định” cho cùng một phương tiện, trong khi việc quản lý, giám sát bằng dữ liệu phần mềm hiện chưa đáp ứng đúng và đủ so với điều kiện thực tế về hoạt động vận tải đang diễn ra.