Tái hiện một quá khứ hào hùng
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 06:41, 15/05/2019
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ văn nghệ sĩ. Trong lĩnh vực hội họa, đề tài về chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã được nhiều họa sĩ lựa chọn và thể hiện khá thành công. Triển lãm “Điện Biên năm ấy” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức từ ngày 3/5 đến 19/5 là một minh chứng.
Triển lãm “Điện Biên năm ấy” thu hút nhiều công chúng. Ảnh: Đặng Thủy
Có lẽ với mỗi người Việt Nam, hình ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với những đoàn quân vượt núi băng rừng, những chuyến xe thồ trĩu nặng leo dốc, tiếng hò kéo pháo vang vọng núi đồi... đã trở thành một phần của ký ức. Triển lãm “Điện Biên năm ấy” với gần 40 tác phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau như: sơn mài, sơn dầu, tranh giấy, điêu khắc… do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây đã đưa công chúng trở lại với những ký ức đẹp đẽ, oai hùng, bi tráng nhưng cũng hết sức lãng mạn... của chiến dịch lịch sử trên mảnh đất Điện Biên năm xưa. Đến với triển lãm, người xem như được trở lại những tháng ngày gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và gặp gỡ những con người bình dị mà vĩ đại đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu. Đó là những người lính băng rừng, lội suối, cần mẫn hành quân xuyên đêm qua tác phẩm “Hành quân qua suối” của Tô Ngọc Vân hay “Hành quân đêm” của Trần Đình Thọ, “Hành quân mưa” của Phan Thông; những chiến sĩ vượt đèo kéo pháo đầy nhọc nhằn, gian truân nhưng không kém phần lãng mạn trong “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ, “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh. Và nữa, những khoảnh khắc về cuộc sống của quân và dân ta nơi chiến trường đạn lửa cũng đã được nhiều họa sĩ ghi lại trong tác phẩm của mình. Có thể kể đến tác phẩm “Trong vùng kháng chiến” của Lê Quốc Lộc, “Buổi sáng ở bản Thơm” của Ngô Minh Cầu, “Dân quân áo chàm” của Nguyễn Thụ, “Bộ đội họp” của Nguyễn Trọng Hợp…
Tác phẩm “Đánh chiếm điểm cao” - sơn mài của họa sĩ Lê Vinh
Đáng chú ý, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già của dân tộc và hình ảnh vị Đại tướng của nhân dân - Võ Nguyên Giáp cũng được khắc họa tài tình, thể hiện tình cảm sâu sắc của giới văn nghệ sĩ với vị Lãnh tụ của nhân dân ta và vị tướng tài ba qua tác phẩm của họa sĩ Lê Lam, Nguyễn Trọng Kiệm, Nguyễn Phúc Khôi, Vũ Nguyễn Ngọc Chi, Bùi Văn Hoan, Nguyễn Đức Dụ… Bên cạnh đó một số tác phẩm còn phản ánh những trận đánh thể hiện nghệ thuật quân sự đỉnh cao của quân dân ta như: “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của Thế Vy, “Đánh chiếm điểm cao” của Lê Vinh, “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm… Nhiều bức vẽ cũng đã tái hiện sinh động những tấm gương hy sinh quên mình, xả thân vì Tổ quốc như tác phẩm: “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh, “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” của Lê Vinh.
Viết tiếp khúc tráng ca Điện Biên
Trong số 27 họa sĩ có tác phẩm tham gia triển lãm “Điện Biên năm ấy” họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam góp mặt với tác phẩm “Đường lên Điện Biên”. Họa sĩ chia sẻ tác phẩm này được ông sáng tác vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và đã được Bảo tàng Mỹ thuật mua lại ngay sau khi tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. “Đường lên Điện Biên” được khơi nguồn cảm hứng từ hành trình đến với vùng đất Điện Biên, từ niềm tự hào về chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Họa sĩ Trần Khánh Chương thuộc thế hệ họa sĩ của trường Mỹ thuật Việt Nam. Trước thế hệ của ông, nhiều thế hệ họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương cũng đã thể hiện thành công đề tài Điện Biên Phủ. Thời điểm ấy, theo tiếng gọi của Bác Hồ, hòa cùng những đoàn quân ra trận, nhiều văn nghệ sĩ đã rời xa cuộc sống đô thị phồn hoa, dấn thân theo kháng chiến và trực tiếp tham gia chiến dịch. Bằng những cảm nhận và sự sáng tạo, họ đã ghi lại chân thực, sinh động hình ảnh của cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng không kém phần lãng mạn của quân và dân ta. Đó là danh họa Tô Ngọc Vân với bộ ký họa “Đèo Lũng Lô”, “Bộ đội nghỉ trong hang”, “Hành quân qua suối”, “Hoan hô”…; họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp với bức ký họa “Bộ đội họp”; và họa sĩ Mai Văn Hiến với tác phẩm “Gặp nhau”…
Tác phẩm “Cả nước ra trận”
tác phẩm của họa sĩ Lưu Danh Thanh
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận định: “Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ là đề tài hấp dẫn với nhiều thế hệ họa sĩ. Từ bỏ những tháp ngà nghệ thuật, từ bỏ những bảng màu ấn tượng, những thế hệ họa sĩ Đông Dương theo tiếng gọi của kháng chiến đã dấn thân vào khuynh hướng nghệ thuật mới: khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Mỗi một tác phẩm về thời kỳ này đều mang giá trị hiện thực lớn, mang những dấu ấn của lịch sử. Khó có tác giả nào có thể vẽ lại cảnh chiến trường với các cuộc chuyển quân, kéo pháo, chèn pháo, bãi tập… sống động được như vậy”.
Ngoài thế hệ các họa sĩ Đông Dương vẽ về đề tài Điện Biên Phủ như: Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp, Trần Đình Thọ, Phan Thông, Mai Văn Hiến, Phan Kế An… trong bộ sưu tập tác phẩm về chiến dịch Điện Biên Phủ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn có nhiều tên tuổi của các họa sĩ thế hệ sau. Họ đã viết tiếp khúc tráng ca của chiến thắng Điện Biên Phủ bằng nhiều tác phẩm của mình. Có thể kể đến Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tiến Chung, Lê Lam, Nguyễn Thụ, Dương Hướng Minh, Cao Trọng Thiềm, Lưu Danh Thanh, Huy Toàn, Ngọc Chi, Minh Khôi...
Tiếp nối mạch cảm xúc về trang sử hào hùng của dân tộc, nhiều họa sĩ trẻ sau này cũng đã thử sức với những tác phẩm vẽ về đề tài Điện Biên Phủ. Không phải là những bức tranh tả thực những chiến hào, những trận đánh ác liệt, những bước chân hành quân qua suối, những bàn tay trần kéo pháo qua đèo, những chiếc xe đạp thồ… mà với một góc nhìn khác, bằng một phương pháp thể hiện khác nhưng các họa sĩ vẫn chuyển tải được tinh thần, ý chí của quân và dân ta trong trận chiến. Họa sĩ Trần Khánh Chương chia sẻ, năm 2014, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã phát động triển lãm kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và cũng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều thế hệ họa sĩ trong đó có không ít họa sĩ trẻ. Điều này cho thấy chiến thắng Điện Biên phủ vẫn là nguồn cảm hứng để các họa sĩ sáng tạo. “Tuy nhiên để có những tác phẩm chất lượng về đề tài này, để tránh đi theo các lối mòn của các đề tài truyền thống, các họa sĩ trẻ cần phải có sự tìm hiểu, xem và đọc tư liệu để làm chất liệu cho tác phẩm thêm phong phú, tránh sự lặp lại và có những ý tưởng mới” – Họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ.
65 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã lùi vào quá khứ. Trở lại với Điện Biên năm xưa qua từng bức vẽ, càng trân trọng hơn với những hi sinh mất mát của những người đã ngã xuống; càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. 40 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm dù chỉ là con số ít so với nhiều tác phẩm sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ tuy nhiên chỉ chừng ấy cũng đã phần nào tái hiện được một chặng đường lịch sử oai hùng, một bài học lịch sử sinh động quý báu được thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình, sẽ còn được ghi nhớ trân trọng và truyền lại cho thế hệ mai sau.