Một ngày trên đất mũi Cà Mau
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:36, 16/05/2019
Tôi hồi hộp đến ngộp thở khi nhìn thấy cờ Tổ quốc đang phần phật tung bay trên đất mũi Cà Mau.
Cờ trên đất mũi Cà Mau
Tôi hồi hộp đến ngộp thở khi nhìn thấy cờ Tổ quốc đang phần phật tung bay trên đất mũi Cà Mau. Cột cờ sừng sững, dưới đế là con tàu đang lướt sóng. Đoàn người từ mọi miền đất nước nườm nượp ra thăm đất Mũi - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc Việt Nam. Họ đứng xếp hàng dưới chân cột cờ để chụp ảnh. Họ đứng trên con tàu đó để chụp ảnh. Họ muốn lưu giữ hình ảnh thiêng liêng ấy đem về quê hương.
Ngắm họ đang say sưa chụp ảnh, tôi cảm thấy thật thú vị vô cùng. Trong tâm trí mình tự nhiên hiển hiện ra bài thơ bất hủ của thi sĩ Xuân Diệu viết về Cà Mau và tôi khẽ đọc:
Tổ quốc ta như một con tàu
Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau
…
Và khi ông viết về miền Nam, viết về vùng đất ấy từ khi tôi còn đang cắp sách đến trường và thuộc lòng từng câu từng chữ: “Miền Nam đất Việt – Miền Nam đất Việt. Ở đâu cũng có đất màu, ở đâu cũng có nước ngọt. Với đất ấy, nước ấy, lại thêm cái nắng rực rỡ, cây cối tha hồ thi nhau mọc và đơm hoa kết trái….”
Từ những câu thơ ấy, áng văn ấy tôi đã dùng ống kính để gợi tả, để thể hiện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh đặc trưng về cái nắng ba miền: Nắng thu Hà Nội vàng mỏng. Nắng miền Trung mầu sẫm và đậm đặc hơn. Nắng miền Nam ánh vàng rực rỡ và hôm nay, dù ngồi trên xe hay đi trên xuồng máy, tôi đã thấy rõ những điều thi sĩ Xuân Diệu viết và tôi tranh thủ ghi hình qua ống kính, mặc dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” với cách nhìn của người làm báo, ghi nhanh những hình ảnh xúc động về Cà Mau đất Mũi - Mảnh đất tận cùng của Tổ quốc Việt Nam.
Đến với Cà Mau, câu ca dao từ xa xưa lại hiện về: “Bao giờ hết đước Nam Căn, Ông Trang hết cá, Khai Long hết rừng”!
Hết đước Năm Căn ư? Ông Trang hết cá ư? Khai Long hết rừng ư? Điều đó chỉ xảy ra một lần thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Hàng triệu tấn bom đạn và chất độc hóa học Mỹ được rải xuống hủy diệt khu rừng Đước, rừng Chàm, rừng Mắm, làm chết hàng loạt cá ở Ông Trang và hủy diệt khu rừng Khai Long để bộ đội ta, nhân dân ta không còn chỗ ẩn nấp, để làm căn cứ tập kích, đánh đồn, diệt bốt của chúng, để ngăn chặn không cho nó dồn dân lập “Ấp chiến lược”. Chúng rắp tâm tát “nước” để bắt “cá”, hòng thủ tiêu câu ngạn ngữ kinh điển của ta là “Quân với dân như cá với nước”!
Chùa Monivongsa Bopharam
Hôm nay đến với Cà Mau, được ngắm lá cờ Tổ quốc đang tung bay trước gió, được thấy khu rừng Đước, rừng Chàm, rừng Mắm xanh bạt ngàn, xanh ngút tầm mắt, được nghe tiếng chim kêu, vượn hót, được tận mắt nhìn thấy những chú cò trắng phau đang bay lượn thấp thoáng và tiếng kêu ro ro của những chiếc xuồng máy chở khách du lịch tham quan mà lòng tôi rộn ràng, xao xuyến vô cùng. Cà Mau thời điểm này đang chuyển mùa: chợt nắng, chợt mưa. Mưa xong lại nắng. Rừng Đước sáng bừng một màu vàng - xanh rực rỡ.
Trên bờ kênh rạch, cá, tôm, mật ong bày bán nhiều vô kể.
Đến với Khai Long thật ấn tượng. Hai con rồng vàng khổng lồ cao chừng chục mét, dài hàng trăm mét uốn lượn, đầu hướng ra phía đường chính, đang “Kính chào quý khách”! Nhà báo Diên Ân, nghệ sĩ Bích Đào và anh bạn Huỳnh Lâm và Như Phong đang say sưa chụp ảnh.
Một làn gió ào qua mát rượi. Khách tham quan cảm thấy như gió đang nhấc bổng đôi rồng vàng khổng lồ ấy bay trên không trung bầu trời Khai Long. Đến với Khai Long, không một đoàn khách nào lại bỏ qua mà không dùng điện thoại thông minh hay máy ảnh để chụp ảnh kỷ niệm, để “mang” đôi rồng vĩ đại ấy bên mình, để rồi khoe với bè bạn rằng: “Tôi đã đến Khai Long, được chụp ảnh với đôi rồng vàng khổng lồ ấy trên đất rừng Khai Long hùng vĩ đấy!”.
Trở lại thành phố Cà Mau khi trời chiều, đang giờ tan tầm. Ô tô, xe máy, xe đạp, xe đạp điện nối đuôi nhau vòng quanh ngọn tháp biểu tượng của vùng đất Cà Mau. Xe cộ đi vòng quanh nhộn nhịp như mắc cửi, giống như chiếc đèn kéo quân khổng lồ trong đêm rằm Trung thu đang quay tít.
Màn đêm đã từ từ hạ xuống. Trên đường phố đèn đường đã rực sáng lung linh. Lúc trời còn sáng, tôi được anh bạn Huỳnh Lâm - nhà nhiếp ảnh trẻ hiện đang công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Cà Mau dẫn đi chụp ảnh. Anh chỉ cho tôi lối đi lên cầu dẫn qua kênh rạch. Những chiếc thuyền lớn chở hàng đầy ắp đang rẽ nước hướng về phía chợ Bách hóa Cà Mau. Anh vội vã vòng xe đưa tôi qua phố vắng và dừng lại trước ngôi chùa mang tên Monivongsa Bopharam - Một tòa tháp kiến trúc đặc trưng Khơme in đậm trên nền trời khá ấn tượng.
Tôi và Lâm kết thúc chuyến đi ở một quán cà phê nổi tiếng. Đèn trong quán nhấp nháy xanh đỏ tím vàng. Bỗng tiếng một danh ca cất lên lảnh lót, như dót vào tai, bài hát về Cà Mau “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam… Về Cà Mau là thấy thương em rồi!...”
Kết thúc một ngày trên đất Cà Mau, tôi đành bất lực, không thể nào lột tả được vẻ đẹp nội tâm và ngoại hình như các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và danh tiếng của Cà Mau đất Mũi, như: Lê Nguyễn, Trương Hoàng Thêm, Đặng Quang Minh, Tạ Hoàng Nguyên, Đặng Quang Hiển, Huỳnh Lâm, Đỗ Thùy Mai… cùng hàng chục các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng vùng đồng bằng sông nước Cửu Long với trên 100 tác phẩm của 30 tác giả được tuyển chọn in trong tập sách ảnh “Cà Mau 20 năm đổi mới và phát triển” được Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Cà Mau xuất bản năm 2018.
Xin chân thành gửi lại Cà Mau đôi dòng cảm xúc và hình ảnh lưu luyến này.