Ký ức từ những bức tranh cổ động vẽ về Bác

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:12, 18/05/2019

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tranh cổ động đã được rất nhiều họa sĩ quan tâm thể hiện. Mỗi tác phẩm gắn với một thời điểm sáng tác và với những kỷ niệm riêng của người họa sĩ. Bên lề của cuộc triển lãm “Chân dung Hồ Chí Minh - góc nhìn từ tranh cổ động”, một số họa sĩ đã chia sẻ về những kỷ niệm, cảm xúc xung quanh tác phẩm của mình.

Ký ức từ những bức tranh cổ động vẽ về Bác
 Họa sĩ Đỗ Mạnh Cương: Đề tài tôi say mê nhất là đề tài Bác Hồ

Với tôi, khi vẽ tranh cổ động, đề tài tôi say mê nhất là đề tài Bác Hồ. Tôi đã đọc rất nhiều sách, tìm hiểu về Bác qua nhiều câu chuyện kể. Bức tranh cổ động “Theo con đường Bác Hồ đã chọn”, tôi sáng tác xuất phát từ mong muốn của Bác khi còn sống, Bác đã dành trọn đời mình hiến dâng cho Tổ quốc.

Trước khi qua đời Bác luôn mong miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao. Bởi vậy trong bức tranh này, tôi đã vẽ tất cả các hoạt động của đất nước sau ngày được hoàn toàn giải phóng lồng trong hình ngôi sao thể hiện đất nước thống nhất, cũng thể hiện nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng và đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.


Ký ức từ những bức tranh cổ động vẽ về Bác
Họa sĩ Trần Từ Thành: Kỷ vật riêng vô giá của cuộc đời tôi

Năm 1975, khi đất nước thống nhất, tôi hào hứng tìm đề tài cho bức tranh tham dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976. Tôi nghĩ đây chính là dịp để bày tỏ ước ao bấy lâu của mình.

Một đêm tôi nghe thấy giọng ngâm bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu, trong đầu tôi lúc đó đã hiển hiện bố cục của toàn bức tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại nhưng rất giản dị. Tôi nghĩ, mình sẽ vẽ những bức tranh thật đơn giản nhưng vẫn nổi bật được hình ảnh và thể hiện được  mong muốn của Bác luôn vì độc lập, hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc.

Bức tranh đã hoàn thành với tên gọi “1976”, được trao giải Nhì tại triển lãm năm đó và Xưởng tranh cổ động Trung ương đã đề nghị tôi đưa vào khẩu hiệu “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” để in và phát hành trên cả nước. Từ năm 1981, Thành phố Hà Nội đã phóng to bức tranh và treo ở trung tâm Thủ đô.

Phiên bản tác phẩm cũng được một số bảo tàng ở Nga, Cu Ba đưa vào trưng bày.  


Ký ức từ những bức tranh cổ động vẽ về Bác
Họa sĩ Lê Nhường: Khi Bác Hồ qua đời tôi đã ấp ủ có những sáng tác về Người

Năm 1969 khi Bác Hồ qua đời tôi đã ấp ủ có những sáng tác về Người, nhưng mãi 10 năm sau bộ tranh cổ động về Bác mới được ra đời. 5 bức vẽ (“Bác bảo thắng là thắng”, “Nấu bếp mà xuất sắc cũng là anh hùng, cũng rất vẻ vang”, “Thực túc binh cường”, “Bác Hồ - Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang”, “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công”) tôi đều đã tặng cho các bảo tàng. Bức “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công” được lấy cảm hứng từ khổ thơ thứ hai trong bài thơ “Học đánh cờ” mà Bác đã sáng tác trong thời gian bị giam tại nhà tù ở Trung Quốc.

Lời giãi bày của Người cũng là lời dạy cho những người làm tướng, những người cầm quân, chỉ huy trong quân đội. Lời của Bác đã chỉnh  huấn lực lượng, đồng thời là bài học lớn và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với Quân đội nhân dân Việt Nam… 

Thanh Bình