Quy định hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường
Tin tức - Ngày đăng : 10:58, 21/05/2019
Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định về hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường.
Ảnh minh họa
Dự thảo nêu rõ, khi được cấp có thẩm quyền giao thực hiện hoạt động công vụ, công chức có trách nhiệm: Mặc trang phục, đeo biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu đúng quy định; thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao hoặc phân công; ghi Sổ Nhật ký công tác trước khi thực hiện nhiệm vụ và khi có kết quả thực hiện nhiệm vụ; xử lý, giải quyết công việc đúng phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền được giao, đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật và chương trình, kế hoạch, lịch làm việc của cơ quan.
Đồng thời bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác; thực hiện việc phát ngôn hoặc cung cấp thông tin đúng quy định; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, ấn chỉ, Thẻ kiểm tra thị trường, tài sản nhà nước được cấp hoặc được giao đúng quy định…
Không được gợi ý, vòi vĩnh đối tượng kiểm tra chi tiền
Dự thảo quy định những việc không được làm trong hoạt động công vụ gồm: Có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi thực hiện hoạt động công vụ; tham dự ăn, uống hoặc vay mượn tiền bạc, mua hàng của đối tượng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức, cá nhân phải tiếp đón, phục vụ hoặc làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động kinh doanh và lưu thông hàng hóa hợp pháp của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
Bên cạnh đó, không được: Gợi ý, vòi vĩnh đối tượng kiểm tra chi tiền hoặc thoả mãn các lợi ích vật chất khác khi kiểm tra, giải quyết các thủ tục hành chính, hoặc để không đưa vào danh sách lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan Quản lý thị trường; bao che, dung túng đối với vi phạm của đối tượng vi phạm hành chính làm trái các quy định của pháp luật gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; giả mạo hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến kết luận không khách quan, không đúng hành vi vi phạm, xử lý đúng hình thức, mức độ vi phạm và đúng thẩm quyền.
Về xử lý kỷ luật đối với công chức vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ, dự thảo đề xuất, tùy theo mức độ vi phạm, công chức có thể chịu một trong các hình thức kỷ luật như: Hình thức khiển trách; hình thức cảnh cáo; hình thức hạ bậc lương; hình thức giáng chức; hình thức cách chức; hình thức buộc thôi việc.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.