Xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi
Tin tức - Ngày đăng : 11:03, 21/05/2019
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Quá trình xây dựng luật, một trong những mục tiêu mà cơ quan chức năng, cộng đồng hướng tới là khi đi vào cuộc sống, luật sẽ tác động làm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi trong sử dụng và sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
Tình trạng lạm dụng rượu, bia hiện vẫn khá phổ biến. |
Mặt trái đã rõ, kiểm soát còn khó
Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu, bia “góp mặt” trong 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi. Ước tính, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại nước ta chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3%-12% GDP. Tại Việt Nam, nếu tính theo mức thấp của thế giới, thiệt hại liên quan đến rượu, bia khoảng 65.000 tỷ đồng/năm.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cả nước trong tháng 4 và tháng 5 năm nay có liên quan đến nguyên nhân lái xe vi phạm nồng độ cồn. Nghiên cứu trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho thấy, 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100ml máu. Đa số là tai nạn nghiêm trọng và có tới 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn.
“Hậu quả xã hội của sử dụng rượu, bia ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều, dựa trên những biện pháp kiểm soát được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, đó là kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát quảng cáo rượu, bia; chính sách thuế và giá.
Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Sau nhiều lần đưa ra đóng góp ý kiến, hiện các điều luật quy định trong dự thảo đã “yếu” đi rất nhiều so với trước đó. Đơn cử, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (ngày 11-7-2018) quy định, các biện pháp kiểm soát như nhau với quảng cáo, khuyến mại sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ cồn.
Tuy nhiên, với dự thảo hiện tại, đã phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm. Theo đó, sản phẩm có độ cồn dưới 5,5 độ không bị cấm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời; trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm bia sẽ được quản lý lỏng lẻo hơn rượu, vì bia có độ cồn phổ biến từ 4 độ đến 5 độ.
“Bia cũng là sản phẩm có cồn, gây nghiện. Tác hại của rượu, bia là như nhau. Mặt khác, 95% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hiện nay tại Việt Nam là bia”, ông Nguyễn Huy Quang phân tích.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát quảng cáo rượu, bia trên internet quá yếu, chỉ mang tính hình thức. Hiện tại, Việt Nam có tới 40 triệu dân số sử dụng internet; 58 triệu người sử dụng mạng xã hội - Facebook và mỗi người dành trung bình 3 giờ trong một ngày cho mạng xã hội và khoảng 80% người dùng điện thoại thông minh sử dụng để truy cập mạng xã hội. Thế nhưng, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ quy định kiểm soát quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối...
Cần những quy định mạnh
Để ngăn chặn tác hại của rượu, bia, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng, cộng đồng mạng thời gian qua kêu gọi thông qua khẩu hiệu “Uống rượu, bia thì không lái xe” hay “Lái xe khi uống rượu, bia là tội ác”… Song, giải pháp này cũng chỉ là phần ngọn.
Phần gốc của vấn đề nằm ở việc làm sao để kiểm soát, hạn chế tính sẵn có, phổ biến và dễ dãi trong sử dụng rượu, bia hiện nay. Muốn vậy, cần đưa những quy định mạnh mẽ vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nếu không, luật khi ra đời cũng chỉ mang tính hình thức, chứ không thực sự có tác dụng trong thực tế.
Theo bà Trần Thị Trang, phải có những công cụ pháp lý nhằm kiểm soát đồng thời cả việc sản xuất, buôn bán và sử dụng rượu, bia; thực hiện nghiêm quy định giới hạn độ tuổi được phép mua rượu; tăng thuế để nâng giá thành; xử phạt nghiêm khắc hành vi khuyến khích sử dụng rượu, bia… Đặc biệt, cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những người sử dụng rượu, bia có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng.
Chẳng hạn, nên nghiên cứu hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao hơn 80mg/100ml máu (dù chưa gây tai nạn), bắt buộc lao động công ích, phạt nặng hành vi tái phạm. Ví dụ đáng tham khảo, Thái Lan là một trong những quốc gia đứng đầu về tai nạn giao thông, song từ khi quốc gia này ban hành các luật kiểm soát rượu, bia đã giảm 50% số tai nạn giao thông, tiết kiệm hơn 6 tỷ USD chi phí khắc phục hậu quả.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh cho rằng, mục tiêu cao nhất mà quá trình xây dựng dự thảo cũng như khi đi vào cuộc sống, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hướng tới là tác động và làm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi trong sử dụng và sản xuất, kinh doanh rượu, bia.