Quy định chấp hành viên tự phân chia tài sản chung của vợ chồng: Luật và nghị định hướng dẫn “vênh” nhau

Tin tức - Ngày đăng : 23:08, 22/05/2019

Quy định cho phép chấp hành viên (CHV) tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đang gây những khó khăn trong thực tế áp dụng.
Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62, CHV tiến hành tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình trong trường hợp đương sự không thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Nếu đương sự không thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung thì CHV yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, giữa luật và nghị định hướng dẫn đã có sự “vênh” nhau.
Theo Bộ Tư pháp, quy định nói trên gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện vì chưa có cơ chế cho CHV áp dụng, đặc biệt là trong việc xác định và phân chia tài sản của hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc quy định CHV có quyền hạn như của Thẩm phán Tòa án để xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung cũng không phù hợp, dẫn đến việc rất nhiều CHV bị khiếu nại, tố cáo hoặc xử lý.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62 đã đưa ra phương án bãi bỏ quy định tại Nghị định 62 hiện hành để thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng, hiện nay việc xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với vợ/chồng là rất phổ biến. Trường hợp không cho CHV phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của vợ chồng và chờ kết quả giải quyết của Tòa thì có thể một lượng rất lớn các vụ việc phải hoãn thi hành án với thời gian dài để chờ kết quả giải quyết của Tòa án. Việc này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được thi hành án. Trong khi đó, Luật Hôn nhân gia đình đã quy định các nguyên tắc chung được áp dụng khi phân chia tài sản của vợ chồng (trong thời kỳ hôn nhân và khi ly hôn). 

Do đó, phương án khác được đưa ra là dự thảo bãi bỏ quy định về thẩm quyền của CHV trong việc phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình. Tuy nhiên, vẫn giữ lại thẩm quyền phân chia tài sản của vợ, chồng và quy định rõ hơn trình tự, thủ tục cho họ thỏa thuận trước khi CHV phân chia. Đồng thời, xác định căn cứ để CHV lựa chọn tài sản để thi hành án. Cụ thể, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì CHV thực hiện việc thông báo cho người phải thi hành án và vợ hoặc chồng của họ biết để tự thỏa thuận phân chia tài sản chung, lựa chọn tài sản thi hành án.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự hoặc thỏa thuận không được thì CHV xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, lựa chọn tài sản để kê biên và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý với việc xác định của CHV thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì CHV căn cứ tổng giá trị khối tài sản chung; phần tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung cũng như nghĩa vụ phải THA để tiến hành kê biên, xử lý tài sản phù hợp và trả lại cho vợ hoặc chồng giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ nếu có.

KTĐT