Nên quy định rõ phương thức và thời gian công khai báo cáo kiểm toán
Tin tức - Ngày đăng : 08:32, 24/05/2019
Thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, chiều 23-5, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN), nhiều đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ. |
Cần cho phép khiếu nại báo cáo kiểm toán
Tại báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu, Ủy ban thống nhất bổ sung quy định về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán này để bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đồng thời, để bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại và khiếu nại đến cùng (khiếu kiện ra tòa) đối với báo cáo kiểm toán, cần nghiên cứu bổ sung điều, khoản cụ thể để sửa đổi các điều, khoản liên quan của Luật Khiếu nại, đặc biệt là khiếu kiện ra tòa, vì hiện nay, báo cáo kiểm toán của KTNN không phải là quyết định hành chính.
Nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu tại tổ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo quy định hiện hành, báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý bắt buộc và không được quyền khiếu nại.
“Báo cáo kiểm toán đụng chạm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng không thể khẳng định 100% báo cáo kiểm toán là đúng, cần cho phép khiếu nại. Do đó, việc dự luật cho phép khiếu nại báo cáo của kiểm toán là hoàn toàn phù hợp”, đại biểu Nga bày tỏ quan điểm.
Góp ý vào nội dung quyền khiếu nại với báo cáo kiểm toán, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội)cho rằng, nên có quy định rõ khi đơn vị kiểm toán và đơn vị được kiểm toán không thống nhất kết quả kiểm toán. Nếu chờ kết luận từ việc khiếu nại thì đơn vị được kiểm toán có phải chấp hành ngay báo cáo kiểm toán hay chờ kết luận cuối cùng sau khiếu nại mới thực hiện?
Cùng Đoàn Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị, quy định công bố công khai báo cáo kiểm toán cần bổ sung phương thức công khai là gì, thời gian công khai như thế nào để báo cáo kiểm toán sau khi có kết luận chính thức đều được công bố công khai cho người dân biết.
Ngoài ra, đại biểu Cường cũng cho rằng, để bảo đảm chất lượng và tính khách quan của kiểm toán, ngoài việc tự tổ chức cơ quan để kiểm soát thường xuyên chất lượng kiểm toán thì cần có cơ quan kiểm toán lại theo hướng thuê đơn vị kiểm toán độc lập.
Tương tự, trong trường hợp thành lập hội đồng xem xét khiếu nại của đơn vị được kiểm toán, phải có ít nhất 50% các thành viên trong hội đồng là chuyên gia độc lập bên ngoài chứ không chỉ có chuyên gia KTNN để bảo đảm tính khách quan.
Quy định rõ để tránh chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra
Dự thảo luật bổ sung Điều 64a quy định một số nội dung để xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, được quy định tại hai luật khác nhau, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, nếu không phân định rõ, sẽ trùng lặp về đối tượng thanh tra, kiểm toán, vì đều là tài chính, tài sản công; chồng chéo về đơn vị được thanh tra, kiểm toán vì đều là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và nội dung thanh tra, kiểm toán sẽ trùng nhau khi thanh tra các cấp hoặc KTNN xem xét việc tuân thủ pháp luật và đánh giá hiệu quả, hiệu lực quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, việc bỏ một cơ quan hay sửa đổi vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra hay của KTNN là khó khả thi trong điều kiện thực tiễn hiện nay. Hiện, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký quy chế phối hợp nhưng mới cơ bản giải quyết được chồng chéo giữa hai cơ quan, chưa xử lý được chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và với thanh tra địa phương.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Chí Tài (Đoàn Thừa Thiên - Huế) đề nghị, cần phân rõ thẩm quyền giữa cơ quan KTNN và thanh tra để tránh trùng lặp đối tượng thanh tra, kiểm toán. Điều này cũng góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Có chung quan điểm, đại biểu Phạm Đình Toản (Đoàn Hưng Yên) đề xuất, dự án luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp giữa cơ quan thanh tra và kiểm toán để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.
“Hiện chưa quy định, trong trường hợp hai cơ quan kiểm toán và thanh tra không thống nhất được đơn vị nào sẽ thực hiện thanh tra, kiểm toán thì ai là người quyết định. Cơ quan KTNN do Quốc hội thành lập, Thanh tra Chính phủ trực thuộc Chính phủ. Do đó, trong trường hợp đòi hỏi phải có sự thống nhất thì buộc phải theo quyết định của KTNN, vì xét về mặt pháp lý có giá trị cao hơn”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) nêu.