Xử lý rác thải sinh hoạt địa bàn nông thôn: Nhiều bất cập cần tháo gỡ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 06:12, 29/05/2019
Trung bình mỗi ngày, Hà Nội phát sinh khoảng 6.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt các loại và con số này không ngừng tăng. Thời gian qua, thành phố và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để nâng mức thu gom rác thải trong ngày đạt cao. Song, qua giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố từ ngày 14 đến 17-5 vừa qua cho thấy, việc thu gom, xử lý rác tại các huyện vẫn bộc lộ nhiều bất cập cần tháo gỡ.
Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội giám sát về quản lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Chương Mỹ.
Phí dịch vụ không đủ cân đối thu - chi
Theo Sở Xây dựng, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo đầu tư, xây mới, cải tạo, mở rộng đồng bộ các khu, nhà máy xử lý chất thải, bãi chôn lấp rác sinh hoạt quy mô lớn tại Sóc Sơn, Chương Mỹ, Sơn Tây. Thành phố cũng giao các huyện đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng các khu tập kết rác thải có phạm vi phục vụ trong địa bàn huyện. Triển khai cơ giới hóa trong công tác xử lý rác, đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trong ngày tại nội thành đạt khoảng 98-99%; các huyện đạt 87-88%.
Dù rất nỗ lực, song giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố ở một số huyện cho thấy việc thu gom, xử lý rác vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất đối với hầu hết các huyện là việc có thực hiện thu gom ở các ngõ, xóm bề rộng dưới 2m, nhưng chưa nằm trong gói thầu. Cùng với đó, mức giá dịch vụ không đủ cân đối thu - chi nên hoạt động thu gom còn hạn chế.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, không chỉ việc thu gom rác ở các ngõ, xóm bề rộng dưới 2m chưa được nghiệm thu thanh toán mà khối lượng duy trì vệ sinh đối với các ngõ, xóm có bề rộng từ 2m, với mức giá tại Quyết định số 54/QĐ-UBND thu 3.000 đồng/người/tháng áp dụng từ ngày 1-1-2017 là quá thấp, không đủ cân đối thu - chi. Cùng với đó, theo phân luồng của thành phố, huyện Thường Tín chỉ được vận chuyển về khu xử lý chất thải tập trung 140 tấn rác/ngày, không giải quyết hết rác phát sinh hằng ngày của huyện.
Huyện Chương Mỹ có địa bàn rộng, dân cư đông, lượng rác thải phát sinh trong ngày khoảng 163 tấn, nhưng phân luồng tiếp nhận vào khu xử lý của thành phố chỉ 145 tấn/ngày. Bên cạnh đó, việc duy trì thu gom rác tại các xã trên địa bàn có lúc bị gián đoạn. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh cho biết, hiện tại đơn vị duy trì thu gom trong ngày tại địa bàn 2 thị trấn; còn lại 6 xã thực hiện thu gom 3 lần/tuần và 24 xã thực hiện thu gom 2 lần/tuần. “Hoạt động của chúng tôi bị ảnh hưởng khi UBND huyện chậm thanh toán cho công ty hơn 17 tỷ đồng, tương đương 30% khối lượng thu gom rác thực hiện năm 2017 và 2018” - ông Vũ Công Minh thông tin.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, thực tế năm 2018, huyện mới thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường được 65% số nhân khẩu thực tế. Bên cạnh mức thu thấp, lĩnh vực này còn thiếu những chế tài xử lý tình trạng đổ trộm rác, phế thải, chây ỳ không nộp phí dịch vụ... Các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Trì cũng có chung khó khăn, vướng mắc về giá phí dịch vụ thấp, đơn vị không cân đối thu - chi trong hoạt động thu gom rác thải.
Sớm khắc phục hạn chế
Qua giám sát, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, khác với các loại dịch vụ thiết yếu khác, vấn đề thu gom rác thải cần được ưu tiên nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như để đạt mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Vì thế, các sở, ngành cần sớm tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp cấp thiết. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong và Nhà máy Xử lý rác thải Đồng Ké trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường đề xuất, thành phố sớm điều chỉnh mức thu giá dịch vụ thu gom rác đối với các cá nhân, tổ chức, bảo đảm cân đối đủ nguồn thanh toán cho nhà thầu. Hiện tại, ở các quận, mức thu là 6.000 đồng/người/tháng nhưng cấp huyện chỉ thu mức giá 3.000 đồng/người/tháng là quá thấp, trong khi thực tế các huyện việc thu gom đòi hỏi công nhân di chuyển xa hơn, nhiều ngõ, xóm hơn khu vực nội đô.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc và Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy đề nghị các sở chuyên ngành của thành phố sớm hướng dẫn các địa phương về phân nguồn kinh phí đặc thù, để thanh toán khối lượng duy trì vệ sinh ngõ, xóm bề rộng dưới 2m đã thực hiện trong hai năm 2017, 2018.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn. Trong đó, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; rõ chức năng quản lý nhà nước với chất thải rắn nông thôn, công nghiệp, làng nghề; cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với chất thải rắn theo phân cấp quản lý cùng với chế tài…
Nhằm tháo gỡ bất cập, theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà, căn cứ Thông tư số 14/2017/TT-BXD, UBND thành phố phải thống nhất định mức kinh tế, kỹ thuật với Bộ Xây dựng trước khi ban hành, nên tháng 4-2019, UBND thành phố đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến theo quy trình. Hiện tại, Sở Xây dựng đang chủ trì hoàn thiện Đề án thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường báo cáo UBND thành phố trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng.
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy và Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 của UBND thành phố triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đặt mục tiêu bảo đảm 100% rác thải ở đô thị và nông thôn được thu gom trong ngày. Lãnh đạo thành phố cũng vừa chỉ đạo phải sớm hoàn thành mục tiêu này. Như vậy, có thể thấy, việc sớm sửa đổi quy định bất cập, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, đưa việc thu gom chất thải rắn trên địa bàn khu vực nông thôn đi vào nền nếp vừa là yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, vừa là cơ sở quan trọng tạo nên diện mạo "xanh, sạch, đẹp" của Thủ đô.