Vải thiều Thanh Hà - Đặc sản vùng quê

Tin tức - Ngày đăng : 11:35, 29/05/2019

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, Thường trực Huyện ủy Thanh Hà, sáng ngày 26/5/2019 huyện Thanh Hà chính thức khai mạc “Ngày hội vải thiều Thanh Hà” - 23 gian hàng đã được trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Thanh Hà đến với khách hàng trong và ngoài nước.
Nằm ở phía đông nam của tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà được bao quanh bởi các con sông như sông Thanh Bình, sông Rạng, sông Văn Úc, sông Gùa và sông Hương tạo nên những vùng đất phù sa màu mỡ rất thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều. Điều làm nên sự khác biệt của sản phẩm vải thiều Thanh Hà phần lớn là do những đặc thù của điều kiện tự nhiên, cùng với đó là kinh nghiệm canh tác của người dân trong việc gìn giữ đặc tính của giống vải thiều gốc. Quả vải thiều Thanh Hà có hình cầu, khi chín sắc đỏ tươi, gai vỏ giãn đều, cùi dày, trắng trong có vị ngọt, giòn chứ không chua, không chát, mùi thơm, hạt nhỏ. Đây là điểm khác biệt về chất lượng để phân biệt vải thiều Thanh Hà với các loại vải khác và nhiều vải di thực.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Hà, năm 2019, toàn huyện có 7.780 ha cây ăn quả trong đó 3.720 ha vải. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện ước tính thu hoạch được 18.000 tấn quả, gồm 16.000 tấn vải sớm (Vải u hồng, vải u trứng trắng, u trứng thâm u gai), 2.000 tấn vải chính vụ (vải thiều), bằng gần 50% sản lượng của năm 2018. Giá vải đầu vụ từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, thời điểm hiện tại giảm còn 30.000 – 40.000 đồng/kg. Khâu tiêu thụ vải thiều diễn ra thuận lợi. Ngoài thị trường trong nước và Trung Quốc, 500 kg vải Than Hà đã được xuất sang Anh. Dự kiến, vải Thanh Hà sẽ còn được xuất sang các nước Nga, Đức, Pháp, Malaysia… Tuy không phải là một năm được mùa  nhưng với người trồng vải Thanh Hà năm nay vải được đánh giá có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành cao, tiêu thụ thuận lợi…

Vải thiều Thanh Hà - Đặc sản vùng quê

Ông Trịnh Văn Thiện – Quyền chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: 2019 là năm thời tiết không ủng hộ bà con nông dân trồng vải nên sản lượng vải năm nay giảm mạnh. Vải u hồng đạt 80% so với năm 2018, nhưng với quả vải thiều chỉ đạt 20 - 30% tùy từng xã.  Vì thế, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế cũng bị hạn chế, sản lượng giảm. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch quả vải ngắn khoảng 2 tháng, bảo quản quả vải khó nên rất cần có những nhà máy chế biến, kho bảo quản trữ lượng lớn nhằm giãn thời gian chế biến, nâng cao giá trị quả vải so với việc bán vải tươi.

Để khai thác thế mạnh của từng địa phương, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch và thực hiện các vùng sản xuất tập trung, định hướng sản xuất hàng hóa gắn với lợi thế của từng thương hiệu, nhãn hiệu. Đến nay, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh với gần 30 xã như: Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường, Trường Thành, Hợp Đức, Vĩnh Lập... vùng sản xuất vải sớm ( vải u hồng, vải trứng, vải tàu lai) tập trung ở các xã khu Hà Đông, vùng sản xuất vải muộn (vải thiều) tập trung tại các xã khu phía Nam Hà của huyện.

Trước đây, bà con các xã trên địa bàn huyện Thanh Hà chủ yếu trồng vải sớm các loại, vải thiều theo phương pháp tự phát, thủ công theo kinh nghiệm của người dân. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục sở hữu trí tuệ... tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn, định hướng các hộ dân trong việc quy hoạch vùng sản xuất cũng như kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thời gian cách ly và hướng dẫn sử thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt để chất lượng quả vải được tốt nhất, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi quả vải xuất ra thị trường đều có tem truy xuất nguồn gốc xuất sứ rõ ràng.

Thông qua ngày hội vải thiều Thanh Hà 2019, các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất trong huyện, tỉnh không những xây dựng được hình ảnh thân thiện với người tiêu dùng mà còn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà phân phối sản phẩm tiềm năng, các đơn vị tư vấn quảng cáo, các hệ thống siêu thị cũng như những chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải thiều nói riêng cũng như các sản phẩm nông nghiệp và du lịch nói chung trên địa bàn huyện Thanh Hà.

Lê Hằng