Biến rơm rạ thành sản phẩm hữu ích

Tin tức - Ngày đăng : 10:25, 30/05/2019

Ngoại thành Hà Nội bắt đầu thu hoạch lúa xuân. Nếu như các năm trước, sau thu hoạch, người dân thường đốt rơm rạ ngay trên đồng thì năm nay tình trạng này đã được cải thiện. Sở dĩ vậy là trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình xử lý rơm rạ hiệu quả, biến phụ phẩm này thành sản phẩm hữu ích.
Biến rơm rạ thành sản phẩm hữu ích
Doanh nghiệp thu mua rơm rạ ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) làm thức ăn cho bò.

Thời điểm này, nông dân nhiều xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân. Ông Phạm Quang Viễn (xã Hồng Hà) cho biết: "Gia đình tôi có 2 sào trồng lúa, toàn bộ rơm được giữ lại, dùng chế phẩm sinh học để ủ thành phân bón. Việc làm này vừa giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa tiết kiệm được tiền mua phân bón, hạn chế sử dụng phân bón hóa học".

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, 3 năm gần đây, huyện Đan Phượng đã triển khai hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học. Vụ xuân năm 2019, huyện triển khai mô hình xử lý rơm rạ tại 9 xã trên địa bàn huyện với diện tích 357ha lúa sau thu hoạch. 

Đan Phượng đã cung cấp cho hộ trồng lúa (đăng ký tham gia mô hình) chế phẩm sinh học và tập huấn, hướng dẫn các hộ sử dụng chế phẩm này để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất. Việc hỗ trợ trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động rất mạnh vào nhận thức của người dân, xóa dần tâm lý coi rơm rạ là “đồ bỏ đi”.

Không chỉ ở Đan Phượng, huyện Đông Anh đã kết nối Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội với các hộ nông dân trên địa bàn huyện trong việc thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi. Ngay đợt đầu tiên, Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội đã thu mua rơm rạ của gần 500ha lúa sau thu hoạch với giá 400 đồng/kg. Ngoài ra, huyện Đông Anh cũng tiếp tục triển khai mô hình trồng nấm rơm và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, nhờ vậy, tình trạng đốt rơm trên các cánh đồng ở Đông Anh đã hạn chế nhiều. 

“Rơm được doanh nghiệp thu gom bằng máy cuốn và ép nên cần hoạt động trên thửa ruộng lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, huyện giới thiệu cho doanh nghiệp tới các xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa như: Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng... nơi có những thửa ruộng lớn để tiện thu mua rơm” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khắc phục tình trạng rơm rạ bị đốt bỏ lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, Hà Nội đang triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” mục tiêu đến năm 2020, sẽ không còn rơm rạ bị đốt bỏ ngoài đồng ruộng. Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã (còn trồng lúa) xây dựng kế hoạch hạn chế đốt rơm rạ. Thành phố hỗ trợ 10% kinh phí; các quận, huyện, thị xã hỗ trợ 30% kinh phí để xử lý rơm rạ. Từ đó, góp phần hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

Mặc dù đã có những mô hình hiệu quả, tuy vậy, vẫn còn một số địa phương rơm rạ chưa được xử lý hiệu quả, tình trạng đốt rơm vẫn còn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, nguyên nhân do nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ đến đời sống, sức khỏe và môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có các quy định, chế tài cụ thể đối với việc đốt rơm rạ; quyết tâm "vào cuộc" của nhiều địa phương trong việc xử lý triệt để việc đốt rơm rạ chưa cao...

Đối với phía doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội Lê Văn Hiên cho biết, rơm phải được cắt cách gốc rạ 20cm, khi rơm đạt độ ẩm dưới 20%, doanh nghiệp chỉ thu mua được rơm cho bà con trong điều kiện thời tiết nắng, nếu trời mưa công ty sẽ rất khó bảo quản, nên phần nào hạn chế trong công tác thu mua...

HNM