Chuyên gia Jetro: Việt Nam có thể trở thành nhà sản xuất lớn toàn cầu
Tin tức - Ngày đăng : 16:34, 02/06/2019
Theo ông Kitagawa, Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Văn phòng Đại diện tại Hà Nội, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có tăng lên song các doanh nghiệp vẫn phải nhập nhiều từ nước khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên lề Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2019, ông Kitagawa đã có một số trao đổi với phóng viên liên quan đến những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay?
Ông Kitagawa: Hiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%. Tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%.
Chính vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc.
Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là ngành công nghiệp hỗ trợ phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam.
Nếu nhìn từ góc độ khác, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao.
Tỷ lệ nội địa hóa về nguyên phụ liệu cũng như phụ tùng của Việt Nam thời gia qua đã được nâng lên, phía người mua là các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá cao phía đối tác Việt Nam và họ đang tiếp tục mua các sản phẩm, phụ kiện do Việt nam sản xuất.
Tuy Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, song theo tôi các chính sách cần rõ ràng cụ thể hơn và cần tập trung cụ thể cho lĩnh vực nào.
Đơn cử, chính sách tập trung vào ôtô hay điện… vì mỗi lĩnh vực thì nguyên vật liệu và phụ tùng khác nhau nên đầu tiên cần xác định là việc tập trung vào đâu alf ưu tiên và tiếp đến là mục tiêu đạt được như thế nào? có thể phải nhập từ Trung Quốc hay Thái Lan là bao nhiêu %... và phải có mục tiêu rõ ràng.
Tôi cũng đánh giá cao kỹ năng về kỹ thuật của phía doanh nghiệp Việt Nam đã có sự tăng lên rõ rệt, nếu các cơ quan chức năng đề ra được mục tiêu rõ ràng hơn thì chắc chắn sẽ phát huy được thế mạnh này.
Đứng ở góc độ Jetro tôi cho rằng, sự hợp tác và trao đổi thông tin thường xuyên giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sẽ giúp cho việc phát triển công nghiệp của Việt Nam phát triển hơn.
- Ông đánh giá thế nào về sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam gần đây?
Theo ông Kitagawa: Gần đây đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, song cần nhìn nhận rộng hơn về làn sóng này.
Bản thân doanh nghiệp Nhật Bản cũng đáng giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, là môi trường thuận lợi, dễ làm cũng như hấp dẫn và thu hút doanh nghiệp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không liên quan nhiều đến sự dịch chuyển này. Theo tôi, các doanh nghiệp ở Nhật Bản hay các nước đều có chiến lược phát triển dài hạn do vậy họ cần một cứ điểm sản xuất lâu dài và đã chuyển dịch sang Việt Nam. Theo tôi, xu hướng này sẽ không thay đổi nhiều và vẫn duy trì trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ sự hài lòng về môi trường đầu tư ở Việt Nam, chính vì vậy khi các chính sách được cải thiện và thông thoáng thì chắc chắn sẽ hấp dẫn được nguồn vốn FDI từ các nước.
- Theo ông, Việt Nam có thể trở thành nhà sản xuất toàn cầu thay thế trong Trung Quốc trong tương lai không?
Theo ông Kitagawa: Theo tôi, Việt Nam có cơ hội để trở thành một nền sản xuất như vậy, nhưng cần tính đến quy mô của Trung Quốc.
Hiện dân số của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc và thị trường này cũng rất rộng lớn, do đó việc thay thế Trung Quốc để trở thành nhà sản xuất lớn của thế giới chắc chắn không nhanh được.
Nhưng đánh giá tổng thể, không phải là không có cơ hội, cụ thể hơn nếu Việt Nam có mục tiêu và biết hướng tới các mục tiêu đó, cũng như có thay đổi trong chính sách và cách thực hiện thì chắc chắn mục tiêu đó sẽ thành hiện thực.
- Xin cảm ơn ông.