Làm gì để con lên tiếng?

Tin tức - Ngày đăng : 14:51, 03/06/2019

Hầu hết, các bậc cha mẹ khi được hỏi: làm thế nào để con lên tiếng trong cuộc hội thảo cùng tên mới đây được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đều cho rằng, cha mẹ phải làm bạn với con trẻ.
Làm gì để con lên tiếng?
Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh HT

Chị Thanh Hà - người mẹ có cô con gái đang học lớp 2 - kể cách làm bạn với con của mình là chị trò chuyện với con mọi lúc, mọi nơi - ngay cả trên đường đi học về. Và trong rất nhiều câu chuyện của hai mẹ con luôn có cả câu chuyện xâm hại. Theo chị Thanh Hà, nói chuyện về xâm hại với trẻ không khó khi bố mẹ hiểu và biết cách truyền tải cho con. Dẫn lại chuyện đã từng mách cô con gái trả lời với cậu bạn trong lớp rằng “Tớ cũng thích cậu” khi cậu bạn ấy nói thích con gái chị, chị Thanh Hà giải thích: “Phản ứng của cha mẹ trước mỗi câu chuyện của trẻ rất quan trọng. Nếu cha mẹ gay gắt phản ứng, phán xét, phản đổi thì sẽ khiến con trẻ hoảng sợ và sẽ không tiếp tục mở lòng. Nhưng nếu cha mẹ đặt câu chuyện trong cách nghĩ của trẻ thì mọi chuyện sẽ khác. Tôi mách con tôi cũng nói “thích” vì với các con thích là sự quý mến, thân thiết chứ không hề có ý nghĩ gì về tình luyến ái cả. Vậy nên, tại sao bố mẹ không khuyến khích con nói những lời yêu thương và hướng dẫn con hiểu và nhân lên nhiều mối quan hệ tốt đẹp?”. Không riêng gì chị Thanh Hà, những người mẹ khác cũng cho rằng  cha mẹ sẽ được lợi rất nhiều khi gần gũi với con đang ở độ tuổi “nhất quỷ, nhì ma…”.

Chúng sẽ kể chuyện ở trường, ở lớp cho cha mẹ nghe và sẽ không giấu diếm. 

Nhà báo Hoàng Anh Tú – anh Chánh Văn của báo Hoa học trò -  cũng đồng tình cho rằng, không nên trò chuyện với con theo kiểu điều tra. Và cha mẹ đừng truyền nỗi sợ hãi sang con khi thường xuyên kể cho con nghe các vụ xâm hại, bạo hành với tâm thế sợ hãi. Mỗi câu chuyện được kể, mỗi cách bảo vệ con của cha mẹ phải truyền đi sự tích cực, để con hiểu được rằng không phải sợ kẻ xấu, chỉ có kẻ xấu mới phải sợ hãi mà thôi.

Cùng với đó, cha mẹ không nên chỉ để mắt đến con mà phải để tâm đến con. “Khi để tâm đến con, cha mẹ sẽ đọc được, nghe được những gì con không nói. Và bố mẹ hãy dành thời gian chất lượng cho con,  trò chuyện với con nhiều hơn bằng sự hiểu biết, mạnh mẽ thì mới có thể truyền đến cho con sự chủ động, tự tin.” – Nhà báo Hoàng Anh Tú nói. 

Tuy nhiên, nhà báo Hoàng Anh Tú lại trần tình rằng anh đã có 10 năm quyết tâm làm bạn với con nhưng kết quả cuối cùng là số 0. Từ đó, anh cho rằng:  cha mẹ “không bao giờ làm bạn được với con” vì “đâu phải cứ làm bạn với con là con có thể kể tuốt những điều con nghĩ, con lo, con buồn, con ghét, con yêu và nhiều khi làm bạn mà vẫn bất tuân”  nên “cha mẹ vẫn cứ phải là cha mẹ”.

Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, hãy cho con được quyền lên tiếng từ những điều nhỏ nhất. Đừng dùng quyền lực của người làm cha, làm mẹ để ép buộc con làm theo ý mình mà hãy cho con thấy  thấy tại sao con “PHẢI” làm việc gì đó một cách thuyết phục. “Dạy trẻ nói “KHÔNG” cần nhất phải dạy bằng lòng “TÔN TRỌNG” con và là cả một quá trình, đủ để con có thể nói “KHÔNG” với bất cứ điều gì khiến con “KHÔNG THẤY THOẢI MÁI” chứ không chỉ ai đó xâm hại con, chạm vào vùng kín của con.

Để con có thể lên tiếng với cha mẹ thì cần nhất vẫn cứ là con cảm nhận được cha mẹ “TÔN TRỌNG” con và “TIN TƯỞNG” con.” – Nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

Thanh Hà