Tạo chính sách đột phá để phát triển nhà ở xã hội
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:59, 05/06/2019
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chiều 4-6, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và đề nghị Bộ Xây dựng đưa ra chính sách đột phá để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn. |
Theo đại biểu Nguyễn Văn Danh (Đoàn Tiền Giang), thời gian qua, giá BĐS tăng nhanh và diễn biến phức tạp nên cần có các giải pháp để ổn định thị trường. Đại biểu cũng cho rằng, cần có chính sách đột phá để tăng nguồn cung BĐS giá rẻ nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có thu nhập thấp trong xã hội.
Cùng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho biết, theo thống kê, so với thu nhập bình quân thì giá BĐS đang cao gấp 25 lần. Không chỉ cao so với mức thu nhập bình quân của người dân, giá BĐS ở một số nơi còn cao hơn nhiều so với giá trị thực của BĐS. Những diễn biến phức tạp trên thị trường BĐS đang thách thức nỗ lực giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, thị trường BĐS hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Về thể chế, một số quy định chưa đồng bộ, vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo. Cơ cấu sản phẩm của thị trường BĐS chưa cân đối so với nhu cầu thị trường. Một số phân khúc cao cấp và thị trường BĐS du lịch có dấu hiệu dư thừa, trong khi nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp lại thiếu hụt. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên nhiều dự án nhà ở xã hội còn ách tắc....
Dư nợ tín dụng BĐS tính tới quý III-2018 đạt 479.000 tỷ đồng, vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng nguồn vốn tín dụng này chỉ tập trung ở một số nhà đầu tư lớn và các phân khúc BĐS có nhiều rủi ro. Thuế đất phi nông nghiệp còn bất hợp lý, chưa có tác dụng khuyến khích phát triển BĐS và hạn chế đầu cơ...
Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, việc kiểm soát thị trường BĐS chưa được chặt chẽ và nguồn lực cho BĐS còn thấp; việc tổ chức bộ máy quản lý BĐS chưa được kiện toàn, tính minh bạch của thị trường BĐS chưa được đảm bảo. Các địa phương chưa quan tâm nhiều tới kiểm soát thị trường BĐS, chưa kiểm soát chặt chẽ cung cầu hàng hóa, phê duyệt nhiều dự án chưa phù hợp với thị trường, thủ tục hành chính còn phức tạp, mất nhiều thời gian, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên...
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, bảo đảm sự đồng bộ pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước về BĐS... Đặc biệt, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ tập trung đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa. Kinh nghiệm của các nước khác là phải tạo ra nguồn cung nhà ở giá thấp và hỗ trợ tài chính cho người mua, nhưng tại Việt Nam, hệ thống chính sách còn khá phân tán và việc huy động các nguồn lực còn nặng tính bao cấp.
Bên cạnh đó, việc thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa cao do các quy định về khống chế tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhà ở xã hội. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.